Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nêu gương - trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của cán bộ, đảng viên

Long Hà| 05/10/2020 06:34

(HNM) - Nói về hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu… Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.

Mỗi cán bộ, đảng viên là một tế bào của tổ chức Đảng. Khi không còn nêu gương được trước nhân dân, hình ảnh người đảng viên cũng như uy tín của tổ chức Đảng cũng bị giảm sút theo.

Ngay từ khi bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin tới người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức chú ý về yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong cuốn sách “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, Người nêu ra 23 tiêu chuẩn của “tư cách một người cách mạng”, quy tụ trong ba mối quan hệ cơ bản của một con người: Đối với mình (có 14 tiêu chuẩn), đối với người (có 5 chuẩn mực), đối với công việc (có 4 tiêu chuẩn). Trong đó có rất nhiều tiêu chuẩn gắn liền với sự nêu gương cá nhân như: Cần kiệm; hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; hy sinh; ít lòng ham muốn về vật chất; dũng cảm; phục tùng đoàn thể…

Kể từ đó, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở về vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng và nêu gương của người cán bộ, đảng viên.

Người phân tích: “Nhìn chung các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị cao hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Bởi thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải thiết thực tu dưỡng, nêu gương trước nhân dân - bởi đây vừa là trách nhiệm, bổn phận, vừa là phương thức hoạt động cần có của mỗi người: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác cũng hướng dẫn: “Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu”.

Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3-2-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng ta và trong mọi hoạt động hàng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”. Bác cũng nhấn mạnh: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”.

Tiên phong, gương mẫu đi đầu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng là bí quyết để thành công, và còn là đạo lý đối với mỗi cán bộ, đảng viên!

Sâu sắc và quan trọng là vậy, nhưng đáng tiếc, suốt chiều dài lịch sử của Đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng đã rơi vào suy thoái, đánh mất vai trò, vị trí nêu gương. Họ là người mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”… Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.

Tiếc thay, những biểu hiện của thứ bệnh nguy hiểm là “cá nhân chủ nghĩa” được nhận diện rất cụ thể năm nào, đến giờ vẫn chưa bị xóa bỏ, mà vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, toàn Đảng đã có gần 46.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật bằng các hình thức khác nhau; trong số này có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, nhiều người phải đi tù.

Những con số buồn đặt ra câu hỏi về phẩm chất, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên!

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

Nêu gương không thể tách rời nhận thức, sau nữa là hành động của mỗi người theo tiêu chuẩn “tư cách một người cách mạng” mà Bác đã chỉ ra năm nào. Bởi thế, việc đầu tiên và lâu dài, là phải không ngừng nâng cao nhận thức về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Công việc này, đòi hỏi các cấp ủy phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên. Quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, Điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc hơn nữa trách nhiệm, bổn phận suốt đời hy sinh, phục vụ sự nghiệp cách mạng của mình.

Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu sắc hơn và tổ chức tốt việc thực hiện các quy định về sự nêu gương như: Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Gần đây nhất là Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó nhấn mạnh “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.

Bên cạnh sự lãnh đạo, tổ chức của các cấp ủy, để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả - đòi hỏi sự tự học tập, tu dưỡng rèn luyện bền bỉ của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng ta vinh dự có tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng tuyệt trần là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo những chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chính là giúp mỗi người từng bước hoàn thiện, trí tuệ tinh thông, suy nghĩ trong sáng, hành động đúng mực hơn.

Đảng từ nhân dân mà ra, được nhân dân tin yêu trao gửi quyền lãnh đạo. Bởi thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc mệnh lệnh thiêng liêng như Bác đã chỉ ra: “Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”.

Sự “tu thân” nêu gương trước nhân dân sẽ làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thiện, làm tròn trách nhiệm, bổn phận và cũng là đạo lý ấy.

Từ đó, Đảng cũng mạnh thêm.

Niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng vun đắp cao dần…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nêu gương - trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của cán bộ, đảng viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.