(HNM) - Khởi nguồn từ năm 2013 với lễ cưới đầu tiên của chú rể Đăng Chính và cô dâu Ngọc Mai ở xã Hồng Hà, được Đoàn Thanh niên xã phối hợp với gia đình, dòng họ tổ chức; thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên, chính quyền xã, huyện tham dự, phong trào cưới văn minh, tiết kiệm đã nhanh chóng lan rộng trên địa bàn huyện Đan Phượng...
Một lễ cưới tổ chức theo nếp sống văn minh tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Mai Châm |
Tiết kiệm mà vẫn trang trọng
Lễ cưới của anh Chu Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phương Đình được tổ chức mới đây theo phong trào cưới văn minh do Đoàn Thanh niên huyện Đan Phượng phát động đã gây ấn tượng, được dư luận địa phương chú ý bởi đây là lễ cưới đầu tiên của xã không có cỗ bàn linh đình. Hôn lễ có Chủ tịch UBND xã tới dự, trao giấy chứng nhận kết hôn và nhiều tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn"...
Nói về ngày trọng đại của cuộc đời, Chu Tuấn Anh cho biết, thay vì cỗ mặn, khách dự được mời tiệc trà và bánh kẹo. Buổi lễ diễn ra giản dị, ấm áp, có sự chung vui của rất đông bạn bè, người thân cùng cấp ủy, chính quyền địa phương...
Có thể nói, những lễ cưới văn minh, tiết kiệm như vậy giờ đây không còn hiếm ở huyện Đan Phượng. Phong trào cưới văn minh ở "quê hương người gái đảm" đã lan tỏa rộng khắp, tạo nét đẹp văn hóa ở vùng nông thôn mới. Tại các xã trên địa bàn huyện như: Trung Châu, Thọ An, Tân Lập, Phương Đình... số người đăng ký tổ chức lễ cưới văn minh ngày càng nhiều.
Anh Ngô Duy Quý, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Lập cho biết, từ năm 2013 đến nay, Đoàn Thanh niên xã và các chi đoàn cụm dân cư đã tổ chức được 15 lễ cưới theo hình thức văn minh, tiết kiệm, được nhân dân đánh giá cao...
Chia sẻ về phong trào đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thanh Phúc cho biết: Phong trào cưới văn minh được phát động từ năm 2013, gắn với Chỉ thị số 22 của Huyện ủy về “Tăng cường lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hóa thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên địa bàn huyện”, Huyện đoàn Đan Phượng đã xây dựng kế hoạch triển khai việc cưới văn minh; tổ chức hội nghị tọa đàm và xây dựng mô hình đám cưới điểm. Đoàn thanh niên các cấp được phân công nhiệm vụ rà soát, nắm rõ những thanh niên đang có kế hoạch xây dựng gia đình để vận động thực hiện; Huyện đoàn hỗ trợ công tác tổ chức, lên kế hoạch chương trình văn nghệ, đón tiếp khách. Một số xã còn hỗ trợ thêm một phần kinh phí loa đài, bánh kẹo...
Ở mỗi địa phương, tùy từng hoàn cảnh, lễ cưới được điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài những thủ tục truyền thống và phần hội tươi vui trong ngày lễ trọng đại của đời mình, các cặp vợ chồng trẻ ở xã Trung Châu còn làm lễ dâng hương tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Các bạn trẻ càng cảm nhận được để có cuộc sống trong hòa bình hôm nay thì lớp lớp cha ông đã anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu.
Giữ nét đẹp văn hóa
Những đám cưới tổ chức cỗ bàn linh đình, lãng phí đã giảm dần ở Đan Phượng, phần nào giúp người dân, nhất là những gia đình còn khó khăn về kinh tế thoát được gánh nặng chi phí khi tổ chức cưới hỏi. Đến nay, toàn huyện Đan Phượng đã tổ chức được 25 mô hình đám cưới điểm không tổ chức cỗ mặn; và hơn 400 đám cưới tiết kiệm, có làm cỗ nhưng số mâm và khách mời hạn chế.
Điểm mới thu hút tuổi trẻ là cưới văn minh có phần lễ trang trọng: Trước khi làm thủ tục "giao dâu, nhận rể", đại diện chính quyền địa phương trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi bạn trẻ. Sau đó là phần “hội” tươi vui với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc do Đoàn thanh niên tổ chức.
Tuy nhiên, để đẩy lùi nếp "cũ" là điều không dễ dàng, nhất là đối với người dân nông thôn vốn chịu tác động bởi phong tục, tập quán, coi cưới hỏi là sự kiện trọng đại của đời người; là dịp để cha mẹ làm tròn trách nhiệm với tổ tiên, con cái; rồi tâm lý ganh đua, việc "trả nợ miệng"... nên nhiều gia đình cố gắng để tổ chức cưới thật linh đình. Thời gian đầu, việc triển khai gặp rất nhiều trở ngại, các gia đình được vận động đều từ chối tham gia.
Vì thế, để phong trào đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền vận động được coi là yếu tố quan trọng nhất. Chú rể Chu Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phương Đình nói về cái khó khi tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới: “Tôi dự định sẽ kết hôn trong năm 2017 nên bố mẹ đã chuẩn bị sẵn gà, lợn để tổ chức lễ cưới. Khi xin phép được tổ chức cưới văn minh, cả gia đình đã phản đối. Tôi phải kiên trì thuyết phục nhiều ngày mới có được sự đồng ý của gia đình và họ tộc".
Có thể nói, với nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền nên nhận thức của người dân về việc cưới văn minh, tiết kiệm ngày càng nâng cao, tác động tích cực đến đời sống xã hội. Xác định những khó khăn khi triển khai phong trào trên diện rộng, Bí thư Đoàn xã Tân Lập Nguyễn Duy Quý cho biết, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của tổ chức cưới văn minh là yếu tố tiên quyết. Công tác tuyên truyền, vận động được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt và hội nghị tại địa phương. Ngoài ra, tổ chức Đoàn cơ sở thường chủ động rà soát các trường hợp chuẩn bị tổ chức lễ cưới để đến nhà vận động; gặp "ca" khó sẽ có thêm sự "tiếp sức" của bí thư chi bộ, trưởng thôn, hội đoàn thể...
Ngoài việc đả thông tư tưởng, ở xã Tân Lập, Đoàn thanh niên sẵn sàng hỗ trợ gia đình có lễ cưới văn minh về dựng phông, rạp, tổ chức văn nghệ, đón tiếp khách... Điều thuyết phục nhất là sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên; biết vận động gia đình, họ hàng ủng hộ thực hiện việc cưới văn minh. Đôi khi cũng phải áp dụng cả "giải pháp cứng rắn" nếu gia chủ mời tiệc mặn, cán bộ xã chỉ tới chúc mừng và dứt khoát từ chối tham dự cỗ bàn...
Hiện nay, để phong trào nhân rộng, Đoàn Thanh niên huyện Đan Phượng tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể... đẩy mạnh tiếp tục tuyên truyền lợi ích, nét đẹp của hình thức cưới văn minh trong cộng đồng và có sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực để động viên, cổ vũ, tạo nét đặc sắc cho những hôn lễ theo cách này. Qua đó, thực hiện hiệu quả phong trào và góp phần giữ nét văn hóa đẹp trong xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.