Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm ảnh hưởng tại Lục địa già

Minh Hiếu| 27/03/2019 06:49

(HNM) - Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 6 ngày tới châu Âu theo lời mời của các nhà lãnh đạo Italia, Monaco và Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Elysee.


Ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đánh giá và định hướng cho chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc trong thời gian tới. Khác với văn bản được EU thông qua năm 2016, đánh giá mới nhất của EC nhận định Bắc Kinh vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược, vừa là đối tác thương mại lớn nhất, mang khát vọng vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và công nghệ cao. Khuyến nghị của EC gồm 10 điểm phác thảo một mối quan hệ hài hòa nhu cầu hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc. Theo Chủ tịch EC Claude Juncker, cần có sự đồng thuận và phối hợp hành động trong xử lý quan hệ giữa EU nói chung và các thành viên nói riêng với Bắc Kinh để đạt những mục tiêu đã đề ra.

Hiện các quốc gia châu Âu có những quan điểm khác nhau trong hợp tác với Trung Quốc. Trong khi nhiều nước còn ngần ngại với sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh thì không ít thành viên khác đã ký thỏa thuận tham gia. Sáng kiến bao gồm các dự án đường bộ, đường sắt và hàng hải tại châu Á, châu Âu và châu Phi cũng chính là chương trình nghị sự trọng tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình khi tới châu Âu lần này. Thành quả quan trọng là Italia đã tuyên bố chính thức tham gia Vành đai và Con đường, trở thành quốc gia G7 đầu tiên gia nhập sáng kiến rất được Bắc Kinh kỳ vọng. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte khẳng định, sự tham gia của đất nước hình chiếc ủng sẽ xây dựng một mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, khác với nhà lãnh đạo Italia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện một thái độ “dè dặt” hơn. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc được đánh giá là một thách thức cho Tổng thống trẻ tuổi của đất nước hình lục lăng trong việc cân bằng giữa mong muốn thắt chặt quan hệ EU - Trung Quốc và nỗ lực đoàn kết sự thống nhất trong EU về chính sách hợp tác với người khổng lồ châu Á. Trong chuyến thăm đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông chủ Điện Elysee kêu gọi thúc đẩy quan hệ vững chắc EU - Trung Quốc dựa trên sự bình đẳng và cân bằng, đồng thời khẳng định, Pháp và Trung Quốc sẽ hợp tác trong các dự án đầu tư ở một số quốc gia nhằm cung cấp bước đệm cho sáng kiến được coi như Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Hàng loạt dự án, thỏa thuận, cam kết hợp tác đã được Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết, nổi bật là 29 hợp đồng và nghị định thư với Italia, hợp đồng mua 300 máy bay Airbus trị giá khoảng 34 tỷ USD trong chuyến thăm Pháp hay cam kết tăng cường hợp tác giữa công ty viễn thông Monaco với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Chuyến thăm Monaco đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc cũng là một phần chính sách nhằm hiện thực hóa học thuyết mở rộng sang Địa Trung Hải và Biển Đen của nước này để tìm kiếm cơ hội nâng tầm ảnh hưởng. Trước một Trung Quốc tích cực và có nhiều bước đi quyết liệt, trong bối cảnh những cam kết của Mỹ có xu hướng suy giảm, những e dè của EU trước sức mạnh của Bắc Kinh dường như đang nhường chỗ cho mong muốn kéo Trung Quốc xích lại gần hơn vì lợi ích chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm ảnh hưởng tại Lục địa già

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.