Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng sức cạnh tranh trong "sân chơi" chuyên nghiệp

Đức Anh| 27/03/2018 07:27

(HNM) - Theo kế hoạch, năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp lớn sẽ thực hiện cổ phần hóa. Việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ khiến mỗi doanh nghiệp có những biến chuyển mạnh trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, phát huy thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh trong một

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (ảnh) là một trong 64 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa trong năm 2018.


Cơ hội “chuyển mình”

Năm 2018 đã khởi đầu khá thuận lợi với sự kiện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Hơn 468,37 triệu cổ phần (tương đương 20% cổ phần PV Power) đã được đấu giá thành công, nhà nước thu về gần 7.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2018 có 64 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa. Con số này tương ứng hơn 50% số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa của cả giai đoạn 2017-2020. Trong quý I-2018, nhiều “anh cả đỏ” cũng lên sàn chứng khoán, như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn…

Tại Hà Nội, sự kiện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thực hiện IPO vào cuối tháng 3 cũng được giới đầu tư trông đợi. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, theo Quyết định số 1558/QĐ-UBND (ngày 7-3-2017) của UBND TP Hà Nội, thành phố đã phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đặc biệt ưu tiên đối với lĩnh vực kinh doanh về xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ phù hợp ngành nghề kinh doanh của Hapro. Phương án sắp xếp lao động của Hapro cũng được UBND TP Hà Nội tính toán kỹ lưỡng. Cụ thể, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 630 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 550 người; tổng số lao động dôi dư là 80 người, trong đó 79 người sẽ được sắp xếp theo chính sách với lao động dôi dư và một viên chức tinh giản theo chính sách hiện hành.

Tại buổi họp tổng kết nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhận định, 2018 sẽ là năm cao trào cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước... Việc nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sẽ tạo ra bước "chuyển mình" quan trọng, giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu, từ đó phát huy thế mạnh vốn có, khắc phục những bất cập, yếu kém.

Tái cơ cấu toàn diện

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018 đã xây dựng những chiến lược khá bài bản nhằm phát huy hiệu quả thế mạnh vốn có của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, theo phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro sẽ tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở những thế mạnh với 66 mã ngành kinh doanh như hiện nay. Trong đó, Hapro sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, trọng tâm là hệ thống kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành phố để phát triển trở thành doanh nghiệp thương mại lớn của Thủ đô.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 của Hapro là trở thành doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn tổng công ty, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực. Bên cạnh đó, Hapro tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hệ thống thương mại nội địa theo phương châm nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sự khác biệt, ưu tiên tối đa cho hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Hapro và Việt Nam vào hệ thống kinh doanh. Một trong những mục tiêu quan trọng của Hapro sau khi cổ phần hóa là đạt tới mô hình tổng công ty gọn nhẹ tối đa, linh hoạt, hiện đại và chuyên môn hóa cao cả về công nghệ quản lý, điều kiện phương tiện làm việc và chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Nhận xét về quá trình tái cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, muốn hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, cần nhất là sự quyết tâm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty. Vì vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai các nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp đã đề ra trong năm nay. Từ đó, sẽ tạo ra “cú hích”, giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu và đạt được những bước phát triển mạnh, bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng sức cạnh tranh trong "sân chơi" chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.