(HNM) - Dù dịch Covid-19 tạo ra nhiều “nút thắt” song ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã trụ vững, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa và tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để tiếp tục vượt qua những khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển ngành logistics Việt Nam lên tầm cao mới, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần tăng cường liên kết, chuyển đổi số và cắt giảm chi phí.
Ngành dịch vụ trọng yếu
Đánh giá về ngành dịch vụ logistics (gồm hoạt động vận chuyển, lưu kho, đóng gói, giao nhận hàng hóa…), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa nhận định, trong thời gian qua, dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành logistics vẫn trụ vững và có những bước tiến đáng kể, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm. Đặc biệt, ngành đã khẳng định vai trò là dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế khi góp phần duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là đóng góp cho tăng trưởng xuất, nhập khẩu cả nước, với tổng kim ngạch đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD trong năm 2021.
Báo cáo về Chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021, do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố mới đây cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng vị trí thứ 8 trong tốp 10 quốc gia đứng đầu. Trong khó khăn của đại dịch, hoạt động vận chuyển hàng hóa có sự thích ứng linh hoạt, như chuyển đổi máy bay chuyên chở hành khách sang chở hàng; mở thêm tuyến vận tải đường biển… Điểm sáng trong năm 2021 là tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng biển Việt Nam vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Đặc biệt, khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đạt mức tăng trưởng hiếm có, tới 54% (đạt gần 5 triệu tấn) so với năm 2020. Cùng với đó, vận chuyển hàng hóa quốc tế đường hàng không năm 2021 tăng đột biến, đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, tăng 21,3% so với năm 2020.
Hay như các doanh nghiệp thương mại điện tử đã có sự bứt tốc nhanh chóng nhằm hình thành hệ sinh thái logistics thương mại điện tử. Đơn cử như nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam đã xây dựng mạng lưới logistics phức hợp, trong đó chỉ riêng Lazada logistics đã sở hữu hơn 400 cơ sở kho bãi, trung tâm phân loại hàng hóa, bưu cục trên toàn quốc. Đại diện Lazada Việt Nam cho biết, thời gian tới, nền tảng thương mại điện tử này sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm nhiều trung tâm phân loại hàng hóa mới, phục vụ tốt nhất khách hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, hạ tầng logistics đang ngày càng được củng cố với số lượng trung tâm logistics tăng nhanh trong năm qua. Trong số những dự án trung tâm logistics lớn nhận giấy phép và khởi công năm 2021, có thể kể đến: Khu phi thuế quan, logistics và công nghiệp Lạch Huyện tại Hải Phòng, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc, Khu công nghiệp - logistics Yên Phong II tại Bắc Ninh…
Liên kết, hình thành thương hiệu mạnh
Các chuyên gia dự báo, năm 2022, nền kinh tế nói chung và ngành logistics nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 diễn biến vẫn phức tạp và giá xăng dầu tăng cao… Do đó, ngành logistics Việt Nam cần tập trung khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường liên kết để phát triển. Tiến sĩ Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho rằng, việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp logistics và cắt giảm chi phí logistics là vấn đề sống còn để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quan tâm đào tạo nhân lực ngành logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa phương thức quản lý và vận hành logistics.
Tương tự, Giám đốc bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam Ngô Thị Trúc Anh nhấn mạnh, để dịch vụ logistics phát triển, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán... “Trước đây, hàng hóa được khách hàng đặt hôm trước, hôm sau mới đến tay, thì nay hàng được giao trong ngày nhờ chuyển đổi số”, bà Trúc Anh nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành logistics Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, tận dụng tối đa các cơ hội của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần bắt tay hợp tác, phát huy tính năng động, sáng tạo; xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài. Giám đốc SNP logistics (Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) Đỗ Xuân Minh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời triển khai giải pháp hình thành mạng lưới doanh nghiệp logistics mạnh.
Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khi cho rằng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất, nhập khẩu là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, mạng lưới các doanh nghiệp lớn sẽ dẫn dắt thị trường, từ đó giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam... Hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.