Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nắng nóng, gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở người cao tuổi

Thu Trang| 28/05/2018 06:45

(HNM) - Thời tiết nắng nóng khiến người già vốn có sức đề kháng kém rất dễ mắc bệnh. Điều đáng nói, dấu hiệu nhiễm bệnh ở người cao tuổi không rõ rệt nên họ thường chủ quan, không điều trị kịp thời...


Những thói quen dễ gây bệnh


Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội tăng nhẹ so với thời điểm bình thường, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Riêng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, trung bình mỗi ngày có từ 40 đến 50 ca bệnh nặng nhập viện, chủ yếu là người cao tuổi bị suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ, viêm phổi… mà nguyên nhân chủ yếu do thời tiết gây ra.

Kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Thu Trang


Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, nắng nóng gây ra trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Có những bệnh nhân vừa xuất viện đã phải nhập viện lại do khó thở, mất nước... Bởi mùa hè người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Mất nhiều nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch như: Tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt…

Thậm chí, vào mùa hè, người cao tuổi cũng có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hằng ngày không hợp lý. Chẳng hạn đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc ra vào phòng điều hòa, từ trong xe ô tô bước ra ngoài trời nắng đột ngột... Ở trường hợp nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.

Tương tự, Bệnh viện Lão khoa trung ương trung bình mỗi ngày khám từ 300 đến 350 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh liên quan đến tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, trong các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể, do cơ thể mất nước sẽ làm tăng độ kết dính trong máu dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông - nguy cơ gây ra đột quỵ.

Mặt khác, nhiều người thường có thói quen tránh nắng nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại… Khi đi từ khu vực ngoài trời có nhiệt độ từ 36 đến 40 độ C vào trong nhà, nơi còn 17-21 độ C, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ tức thì, mồ hôi không thoát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh. Biểu hiện nhẹ là lờ đờ, mệt mỏi, nói lắp, đau đầu, chóng mặt; nặng thì nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, có thể dẫn đến trạng thái hôn mê, đột quỵ.

Nắng nóng kéo dài còn khiến đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, ôi thiu, nhiễm khuẩn... gây ra tiêu chảy cấp. Người già bị tiêu chảy cấp nếu không bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Còn Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), vào thời điểm nắng nóng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến khám mỗi ngày. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Phụ trách Trung tâm cho biết, những bệnh nhân viêm phế quản, giãn phế quản hoặc hen mạn tính dễ tái phát khi thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh đột ngột; nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng người cao tuổi. Vì vậy, vào những ngày nắng nóng, bảo đảm nhiệt độ trong phòng không quá chênh lệch so với nhiệt độ ngoài phòng chính là biện pháp phòng tránh hữu hiệu những bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Không sử dụng thuốc tùy tiện

Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh lưu ý, ở người cao tuổi biểu hiện bệnh thường dễ bị nhầm lẫn, khó nhận diện nên nhiều gia đình và ngay cả bệnh nhân thường hay chủ quan, bỏ qua triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng, cộng thêm bệnh mạn tính ở tuổi già rất nguy hiểm. Điều đáng nói là nhiều người khi thấy cơ thể mệt mỏi đã tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh. Việc dùng kháng sinh không đúng chỉ định, bệnh không những không khỏi mà còn gây hại cho sức khỏe.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng khuyến cáo, đa số người dân vẫn tùy tiện mua thuốc huyết áp tại các hiệu thuốc về sử dụng mà không theo đơn của thầy thuốc. Trong khi đó, mỗi người cao huyết áp có cách điều trị và bị những bệnh đi kèm khác nhau. Trường hợp tăng huyết áp mà lại bị hen phế quản thì không thể sử dụng thuốc như người tăng huyết áp mà nhịp tim nhanh, suy tim, tiểu đường. Vì vậy, người bệnh phải đi khám để bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.

Để phòng bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Xuân Tú khuyến cáo, người già cần phải uống đủ nước (từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày) và không nên chờ khi có cảm giác khát mới uống, bổ sung thêm nước hoa quả và tuyệt đối không uống nước có gas, có cồn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của người cao tuổi cần bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng.

Người già cần tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng từ 10h đến 16h, là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Tốt nhất nên bật điều hòa ở mức từ 25 đến 27 độ C (chênh lệch không nên vượt quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời).

Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng, gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.