Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng dần sức tự chủ

Thiện Mỹ| 05/06/2021 06:06

(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 tại nước ta một lần nữa tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực. Với diễn biến theo chiều hướng phức tạp bởi sự đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, kéo theo những trở ngại trong điều hành chính sách.

Tuy nhiên, đáng mừng là chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn đang được điều hành một cách rất hiệu quả. Điều này được nêu rõ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021 tổ chức ngày 3-6, khi đã khẳng định, kinh tế - xã hội 5 tháng và tháng 5 vẫn tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định…

Thêm một góc nhìn khách quan nữa là, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn, gồm: Standard&Poor’s Global Ratings, Moody’s và Fitch đều nâng triển vọng của Việt Nam từ mức “ổn định” lên mức “tích cực”. Đây là sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng đối với thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc giữ đà tăng trưởng và quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19.

Có được kết quả này là do chính sách tiền tệ đã được Ngân hàng Nhà nước điều hành với sự mềm dẻo, linh hoạt, bám sát thực tiễn. Từ đó, dòng tiền được đầu tư đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn việc rót vốn vào lĩnh vực nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ từ vốn, lãi suất đến việc cải cách thủ tục hành chính… Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, số doanh nghiệp mới thành lập tăng, giúp nền kinh tế phát triển ổn định.

Thực tế nêu trên cho thấy, chính sách điều hành tiền tệ nếu đi đúng hướng sẽ góp phần nâng sức tự chủ của nền kinh tế.

Do đó, bối cảnh như hiện nay đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của khách hàng, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Song song đó, hệ thống ngân hàng cần theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước để điều hành phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng. Đặc biệt, cần tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, những ngành nghề có nhiều dư địa phát triển; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với sự chuyển dịch của nền kinh tế. Mặt khác, phải tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Ở tầm tổng thể, hệ thống ngân hàng cần điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô ở các lĩnh vực khác, cũng như vấn đề lạm phát và tình hình thị trường. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, sự biến động của tỷ giá, cung cầu ngoại tệ để thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần trợ lực cho nền kinh tế.

Với việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của nền kinh tế, ngành Ngân hàng sẽ góp phần giúp nền kinh tế tăng sức tự chủ và thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng dần sức tự chủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.