Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng đô thị hóa

Dạ Khánh| 12/01/2023 06:33

(HNM) - Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến động kinh tế thế giới, song kết thúc năm 2022, ngành Xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khá với mức 8-8,5%; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng 1,2% so với năm 2021, đạt 41,7%. Không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và phát triển đô thị còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Diện mạo đô thị của thành phố Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang

Động lực tăng trưởng

Chuyển đến Hà Nội sinh sống từ năm 1987, bà Nguyễn Thị Băng (đường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) cảm nhận rõ về những thay đổi về diện mạo đô thị Thủ đô. Các khu vực vùng ven, như: Nghĩa Tân, Trung Yên, Mễ Trì, Hoàng Liệt... là đồng ruộng trước đây, giờ đã lên phường với các tòa nhà cao tầng khang trang, hiện đại.

“Không còn tình trạng điện yếu, hay phải xếp hàng hứng từng xô nước. Giờ đây, điện, nước được đáp ứng đầy đủ 24/24 giờ; đời sống vật chất của người dân được cải thiện rõ rệt; đời sống văn hóa, tinh thần cũng ngày một nâng cao”, bà Nguyễn Thị Băng nói.

Bộ Xây dựng cho biết, sau 36 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm qua, công tác xây dựng, phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2022, cả nước có 888 đô thị các loại, phân bố khá đồng đều trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41,7% năm 2022. Không gian đô thị được mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình 12-15%, gấp 1,5-2 lần so với bình quân chung, hằng năm đóng góp khoảng 70% Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đô thị cũng đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính cũng thừa nhận, quá trình đô thị hóa ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức, như: Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp...

Một góc Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Trọng Hiếu

Để đô thị hóa bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đô thị hóa là quá trình tất yếu khách quan. Do đó, thúc đẩy đô thị hóa đúng hướng là nhiệm vụ quan trọng giúp quốc gia, đô thị phát triển bền vững hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Theo đó, quá trình đô thị hóa được kiểm soát chặt chẽ và có tầm nhìn chiến lược sẽ phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập.

Bộ Xây dựng xác định cần đổi mới tư duy, phương pháp quy hoạch đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị; phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.

Để phát triển đô thị bền vững, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu giải pháp, quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần gắn với những đổi mới về hướng tiếp cận quy hoạch, phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, chương trình, dự án phát triển đô thị. Ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương, có sự tham gia xuyên suốt, hiệu quả của các bên trong việc nhận diện, giải quyết vấn đề đô thị, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả,...

Còn Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) Lưu Đức Minh cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đô thị. Đây là nền tảng giúp các cấp chính quyền nhanh chóng nắm bắt các vấn đề của đô thị một cách có hệ thống, khoa học, từ đó phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị. Đồng thời, cần áp dụng công nghệ tiên tiến (như ứng dụng GIS - hệ thống thông tin địa lý) vào phân tích, nhận diện vấn đề và ra quyết định hỗ trợ công tác lập quy hoạch, quản lý đô thị.

Xác định phát triển đô thị là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy trong năm 2023, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch với phát triển thị trường nhà ở, bất động sản.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị mới phù hợp với xu thế và thực tế phát triển của đất nước, như: Đô thị ven biển, đô thị cửa khẩu, đô thị công nghiệp, đô thị sinh thái, đô thị di sản, đô thị thông minh,...; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phát triển đô thị...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng đô thị hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.