Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn| 15/02/2019 07:05

(HNM) - Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tháng 1-2019 cho thấy dấu hiệu tích cực, đáng mừng. Cụ thể, tổng số vốn mới đăng ký, gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn mua cổ phần trong nước của nhà đầu tư đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH NOBLE (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Linh Ngọc


Các nhà đầu tư đã tham gia 18 ngành, lĩnh vực quan trọng, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, khoa học công nghệ và bất động sản... Lượng vốn này sẽ bổ sung kịp thời cho nhu cầu tăng tốc phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới, nhất là gia tăng quy mô của nền kinh tế cũng như tham gia mở rộng xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Cũng trong tháng 1, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Đây là kết quả khả quan, với mức tăng khá ấn tượng, đồng thời thể hiện rõ mục tiêu kiên trì thực hiện dự án tại Việt Nam của giới đầu tư quốc tế. Uy tín, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam đang được gia tăng một bước đáng kể. Nhìn chung, nhà đầu tư các nước châu Á và là đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... vẫn tiếp tục khẳng định việc theo đuổi mục tiêu mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đã có tín hiệu mới về sự quan tâm đầu tư vào Việt Nam của giới đầu tư EU, đặc biệt là dưới tác động tích cực từ việc hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) trong tương lai gần.

Theo Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam Thomas Schuller Gӧtzburg, thị trường và các điều kiện đầu tư của Việt Nam rất tiềm năng, từ đó hứa hẹn sẽ hấp dẫn giới đầu tư nước này để xuất hiện một làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Trong đó, doanh nghiệp Áo quan tâm đến một số lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu và Áo có thế mạnh như xây dựng hạ tầng giao thông (tập trung vào đường sắt, đường bộ), viễn thông, y tế và du lịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh khá tốt, nổi bật là tình hình chính trị, xã hội ổn định; chi phí sản xuất thấp hơn các nước khác; thị trường lớn bên cạnh chính sách, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện. Năm 2019, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục vào cuộc với tinh thần quyết liệt hơn, tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường và bảo đảm tính minh bạch, tạo cơ hội cho nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao cũng như kết hợp bảo vệ môi trường. "Những động thái đó là yếu tố hấp dẫn, đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, hưởng ứng" - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần tập trung kêu gọi những dự án có chất lượng cao, nhất là gắn liền với mục tiêu tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát huy lợi thế, tiềm năng trong nước. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm, khắc phục tình trạng đến nay mức độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu chưa sâu, chưa tối đa hóa được các lợi ích từ việc mở cửa, hội nhập quốc tế của doanh nghiệp. Vấn đề cốt lõi là làm sao thúc đẩy việc du nhập, ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ mới, hiện đại nhằm nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng luôn bám sát tình hình thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài để hướng dòng vốn này “chảy” đúng hướng, với chủ trương coi “chất” hơn “lượng”, cũng như chủ động thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nội địa. Đây cũng là chủ trương nhất quán trong thời gian tới, bảo đảm hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài thực chất, hiệu quả, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.