(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông về thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội.
38 sở, ngành, địa phương lập kế hoạch chi tiết bảo vệ môi trường
- Sau hơn một năm được ban hành, Nghị quyết số 11-NQ/TU đã được UBND thành phố triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giao là cơ quan thường trực trong công tác thực hiện. Hiện đã có 38 sở, ngành, quận, huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết thực hiện nhằm quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Qua đó, bước đầu, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong công tác bảo vệ môi trường.
UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; xây dựng đề án bảo vệ môi trường chi tiết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước…
- Với sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Thành ủy, UBND thành phố cùng sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành, địa phương như vậy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn hơn một năm qua đã đạt được những kết quả gì?
- Nghị quyết số 11-NQ/TU bao trùm rất nhiều lĩnh vực, từ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến việc xác định cụ thể các “điểm đen” và khu vực bức xúc về ô nhiễm môi trường; cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các công trình xây dựng; công tác vệ sinh môi trường; bảo vệ chống cạn kiệt nguồn nước và xử lý bền vững nguồn tài nguyên nước; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải vào tài nguyên nước; xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan các ao hồ, sông suối bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, kết hợp với bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường…
Đơn cử, trong hơn một năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra được 2.583 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở với số tiền xử phạt hơn 18 tỷ đồng. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã xác định được 178 “điểm đen”, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường để xây dựng phương án xử lý.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng triển khai các dự án cấp nước sạch theo quy hoạch như: Dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2; Nhà máy nước mặt sông Đuống công suất 900.000m3/ngày - đêm (dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 công suất 150.000m3/ngày - đêm trong năm 2018); Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn 1 công suất 300.000m3/ngày - đêm và nâng công suất một số nhà máy, đưa tỷ lệ cấp nước sạch đô thị đạt gần 100%; tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt trên 50%...
Ngoài ra, UBND thành phố giao các đơn vị chức năng vận hành có hiệu quả các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; xây dựng các nhà máy xử lý rác thải phát điện có công nghệ tiên tiến, tiến tới thay thế việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp...
- Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu nguồn phát sinh ô nhiễm và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường là công việc khó khăn, phức tạp với nhiều phần việc khác nhau. Ông có thể cho biết việc này đã được thành phố triển khai ra sao?
- UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, kiểm kê nguồn phát thải, khí thải trên toàn thành phố nhằm xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí, lượng khí thải phát sinh. Dự kiến, quý IV-2018 sẽ triển khai công tác điều tra, quan trắc, đo kiểm tại nguồn thải.
Đặc biệt, Hà Nội đã thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” trên địa bàn xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) và tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn thành phố. Trong 7 tháng năm 2018, Hà Nội trồng được gần 342.000 cây xanh, nâng tổng số cây xanh trồng từ năm 2016 đến nay là hơn 844.000 cây, đạt 84,4% mục tiêu “Chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020”.
Để giảm ô nhiễm môi trường không khí do các phương tiện giao thông gây ra, Hà Nội chủ trương phát triển hệ thống vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Đến nay, Hà Nội đã có 111 tuyến xe buýt, trong 2 năm 2017 và 2018, đã mở mới được 20 tuyến xe buýt, bảo đảm 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn có xe buýt trợ giá, phục vụ việc đi lại của nhân dân.
Từ tháng 12-2016, TP Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động và tổ chức quản lý, vận hành 6 trạm quan trắc nước mặt tự động. Trong giai đoạn 2018-2019, TP Hà Nội tiếp tục đầu tư xây dựng 4 trạm quan trắc nước mặt và 1 trạm quan trắc lưu động. Ngoài ra, các đơn vị có phát sinh nguồn xả thải lớn trên 1.000m3/ngày - đêm đều phải lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tạo ý thức công dân từ khi còn nhỏ
- Theo ông, nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân đã có những chuyển biến như thế nào?
- Với rất nhiều giải pháp được triển khai đã và đang tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức của người dân. Chẳng hạn, trong dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay, thành phố đã chọn quận Hoàn Kiếm làm điểm tổ chức tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông và đã thu hút được khá đông người dân tham gia. Ngoài ra, các hoạt động như đạp xe vì môi trường, xử lý rác thải trên sông hồ... là những việc làm thiết thực, tác động trực tiếp tới người dân, tạo sự lan tỏa lớn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường của thành phố hiện còn những tồn tại, hạn chế gì?
- Theo tôi, đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai kế hoạch còn chậm hoặc chưa nghiêm túc; việc gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp theo yêu cầu của Kế hoạch số 160/KH-UBND còn chậm.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ quản lý về môi trường từ khâu triển khai đến khâu hậu kiểm còn “mỏng”. Cán bộ môi trường cấp huyện còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cán bộ chuyên trách môi trường cấp xã thiếu về số lượng, chưa chuyên nghiệp, đa số không trong biên chế, hệ số lương thấp... Mặt khác, kinh phí sự nghiệp về môi trường còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, tình hình thực tế.
Với đặc thù địa bàn Thủ đô nên mật độ các cơ quan, đơn vị, người dân... sinh sống và làm việc quá đông dẫn tới quá tải về khí thải, rác thải. Đặc biệt, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, lượng phương tiện giao thông, công trình xây dựng phát triển nhanh dẫn tới môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.
- Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TU và Kế hoạch số 160/KH-UBND, đồng thời sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế trên thực tế, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để hướng tới bảo vệ môi trường bền vững, thưa ông?
- Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách; bổ sung sửa đổi và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là xây dựng chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô. Trong đó sẽ tập trung vào công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường khu, cụm công nghiệp và làng nghề; quản lý chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nước sông, hồ...
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, chú trọng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời tăng cường các công cụ quản lý ô nhiễm môi trường như: Tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải, lượng phát thải trong phạm vi toàn thành phố và kiểm toán môi trường. Qua đó, có cơ sở đánh giá diễn biến chất lượng môi trường để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, xử lý ô nhiễm phù hợp, đáp ứng quy hoạch phát triển Thủ đô…
Ngoài những nhiệm vụ Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai, hiện nay, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp Sở Giao thông - Vận tải chọn điểm lắp đặt trạm rửa xe cho các phương tiện giao thông trước khi vào thành phố. Thành phố giao Sở Xây dựng triển khai dự án nghiền rác thải đô thị (rác thải xây dựng) dự kiến đặt tại huyện Thanh Trì để xử lý và tái tạo thành sản phẩm hữu dụng...
Điều quan trọng nhất là Hà Nội cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm tới mọi tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội... để tạo sức mạnh tổng hợp chung tay bảo vệ môi trường. Đây chính là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường. Bởi vậy, theo tôi, nội dung này cần được đưa vào chương trình giáo dục trong các nhà trường nhằm tạo ý thức cho mỗi công dân ngay từ khi còn nhỏ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.