(HNM) - Trẻ em gái là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và dù có những nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng xã hội, nhưng một bộ phận trẻ em gái đang phải đối mặt với các thách thức gay gắt trước các nguy cơ: thất học, tảo hôn, xâm hại tình dục hoặc đối mặt với các rủi ro bị bóc lột lao động, thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của gia đình, bị sa vào tệ nạn xã hội…
Bé Thúy (14 tuổi, ở xã Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội) chưa bao giờ có cơ hội để biết về họ tên đầy đủ của mình. Là con gái đầu của một gia đình dân tộc Sán Dìu từ Thái Nguyên di cư về Hà Nội. Từ khi 4 tuổi, Thúy đã phải lo việc chăm sóc em hằng ngày cho bố mẹ đi làm. Đến nay, Thúy vẫn chưa biết chữ, dù rất thích được đi học. Hằng ngày, cô bé phải cáng đáng việc chăm sóc, cai quản, lo việc ăn uống cho 5 đứa em và Thúy còn phải dẫn các em đi ăn xin ở chợ để có tiền nuôi sống gia đình.
Lía (người dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang, chưa đầy 15 tuổi, chồng chết, một mình làm rẫy nuôi con) là nạn nhân điển hình của nạn tảo hôn ở dân tộc vùng cao. |
Theo thống kê, 18% số hộ gia đình nông thôn và 50% số hộ gia đình dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo. Ở các gia đình này, trẻ gái bao giờ cũng bị đối xử thiếu bình đẳng. Vì kinh tế khó khăn, thái độ trọng nam khinh nữ, trẻ em trai được ưu tiên đi học, trong khi em gái phải bỏ học, tham gia lao động sớm, hỗ trợ cha mẹ. Không được đến trường, các bé gái không được dạy dỗ cách tự bảo vệ, dẫn tới nguy cơ bị xâm hại cao, bị mua bán, bóc lột sức lao động.
Trong quá trình đô thị hóa, trẻ em gái nông thôn tham gia vào đội ngũ lao động di cư ngày một tăng, lang thang lao động kiếm sống hoặc làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tư nhân, giúp việc gia đình… Lao động trẻ em di cư ở các đô thị phải đối mặt với nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng: thời gian làm việc kéo dài, tiền công thấp, dễ bị bắt nạt, bị dụ dỗ vào con đường tội phạm hoặc tệ nạn xã hội, bị lạm dụng tình dục, bị buôn bán. Bên cạnh việc học hành bị dở dang, các em cũng không có thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và không được sự quan tâm, bảo vệ một cách đầy đủ từ phía chính quyền và các tổ chức xã hội.
Theo thống kê, mỗi năm được đi học sẽ giúp cho các bé gái có thu nhập trong tương lai tăng từ 10 đến 20%. Các bé gái sẽ là lao động, chủ nhân gia đình, người mẹ trong tương lai. Tạo điều kiện phát triển, bảo đảm quyền được học hành, bảo vệ, chăm sóc, cơ hội thay đổi cuộc đời cho các bé gái chính là đầu tư hiệu quả nhất cho gia đình - hạt nhân xã hội. Vì tầm quan trọng của trẻ em gái, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua ngày Quốc tế trẻ em gái vào ngày 11-10 hằng năm. Đây cũng là cơ hội cho xã hội, các tổ chức, cộng đồng cùng vào cuộc, thực hiện tốt các chính sách đối với trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt (hỗ trợ kinh tế, học văn hóa, dạy nghề…), đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.