(HNM) - Tại các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, không ít thì nhiều đều để xảy ra các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Vấn đề này trở thành "lỗi thường gặp" trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy và trở nên bức xúc trong xã hội. Đã đến lúc mỗi cấp ủy cần hành động quyết liệt chứ không chỉ bằng những lời hứa suông.
|
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Cầu Giấy. Ảnh: Phương An |
Theo gợi ý của Thành ủy, tập thể BTV Quận ủy Thanh Xuân đã kiểm điểm trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công trên địa bàn một số phường; hiện tượng đổ phế thải trộm và lấn chiếm ao hồ tại khu vực đầm Sòi, Sen, Hồng, Bà Cả Lợi, chưa quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Ở Đan Phượng, tập thể BTV Huyện ủy thừa nhận, công tác quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Đáng lưu ý, việc xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, hành lang bảo vệ đê điều, thủy lợi, giao thông chưa kịp thời, có địa phương né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới tái vi phạm, gây bất bình trong nhân dân. Tại Thanh Oai, Huyện ủy cũng chỉ rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước về đất đai của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở bị buông lỏng, còn để xảy ra vi phạm Luật Đất đai. Chỉ tính từ tháng 10-2010 đến tháng 6-2012, Huyện ủy đã phải xử lý kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có 11 trường hợp liên quan tới quản lý, sử dụng đất đai. Còn tại huyện Phú Xuyên, từ đầu năm 2012 đến nay đã có một chủ tịch UBND xã, hai trưởng thôn bị khởi tố; một ủy viên BTV Huyện ủy bị xử lý kỷ luật liên quan đến đất đai... Có thể nói, tình trạng vi phạm Luật Đất đai, trật tự xây dựng diễn ra ở hầu hết các quận, huyện, thị xã gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Qua phân tích, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng vi phạm đã trở thành phổ biến trên là do lịch sử nguồn gốc đất có nơi chưa rõ ràng; một số cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai thiếu đồng bộ, thiếu ổn định; công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất chưa phân cấp triệt để, tạo chủ động cho cơ sở, trong khi một bộ phận nhân dân tìm mọi cách làm lợi cho mình bất chấp pháp luật. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan phải kể đến là vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền, việc thực thi pháp luật của cán bộ đối với lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp này còn nhiều hạn chế.
Khuyết điểm mà tập thể BTV các cấp ủy đã chỉ rõ trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 như yếu về năng lực lãnh đạo, quản lý; buông lỏng vai trò lãnh đạo hoặc biết sai nhưng cố tình vi phạm nhằm trục lợi. Đáng quan ngại hơn là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm trong xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng; một số vụ việc phức tạp chưa được giải quyết triệt để do cán bộ không căn cứ theo quy định của pháp luật để xử lý. Thậm chí có cấp ủy làm trái nguyên tắc, Điều lệ Đảng, ban hành nghị quyết bán đất công, cho thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước. Một số cấp ủy chưa chú trọng chỉ đạo kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, chất lượng một số cuộc kiểm tra chưa cao, còn nể nang, né tránh khuyết điểm, sai phạm, chưa xử lý nghiêm túc người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo giải quyết từ ban đầu nên để xảy ra lấn chiếm đất đai nghiêm trọng; thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới; chưa thực hiện tốt công tác cán bộ. Việc để cán bộ ở quá lâu một vị trí đã tạo cho cán bộ sức ỳ, kém năng động, không sáng tạo, hay bảo thủ, trì trệ. Đây cũng là điều kiện để cán bộ, đảng viên dễ sa ngã, lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thông qua kiểm điểm, những yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý đất đai, trật tự xây dựng thời gian qua đã được các cấp phân tích, làm rõ. Đã có những giải pháp mà tập thể và từng cá nhân BTV các cấp ủy thống nhất thực hiện nhằm khắc phục yếu kém với tinh thần quyết liệt. Có thể kể đến một số giải pháp được các cấp ủy quyết tâm làm ngay như luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm, xử lý kiên quyết cán bộ vi phạm, bám sát cơ sở, siết chặt công tác lãnh đạo, quản lý… Những động thái đó được cho là đúng lúc, rất cần thiết, song cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn đang theo dõi, mong muốn những lời hứa trở thành hành động cụ thể. Không nên phó mặc, hay đổ lỗi trách nhiệm quản lý cho cấp chính quyền; cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cần ý thức được trách nhiệm của tổ chức Đảng, khi để xảy sai phạm cần sớm chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả cũng như ngăn ngừa sai phạm ngay khi mới xảy ra. Đó chính là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.