Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tiến Đạt| 16/12/2018 12:09

(HNMO) - Sáng nay (16-12), Bộ Y tế đã tổ chức chương trình “Ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm”.

Các đại biểu phát động chương trình đạp xe diễu hành truyền thông.


Tham gia sự kiện có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và lãnh đạo Bảo hiểm y tế Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Lao và bệnh phổi các tỉnh trên cả nước...


Các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản nói riêng đang được giới y học trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm, bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù đã có những bước tiến lớn trong chẩn đoán, điều trị và cố gắng nỗ lực trong quản lý.

Theo kết quả của các thống kê, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Trong khi đó, theo dự đoán của WHO, số người mắc COPD sẽ tăng từ 3-4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020 COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có chiều hướng tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm môi trường gia tăng và các thói quen chưa phù hợp với sức khỏe. Bên cạnh đó, hen phế quản là một bệnh hô hấp không lây nhiễm, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên, theo dự đoán, tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hằng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.

Mặc dù vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác có thể phòng tránh được thông qua giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá đây là một chương trình quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, mỗi người dân cần tự bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức khỏe của mình, có giải pháp dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, phòng chống hút thuốc lá và rượu bia. Như vậy, mục tiêu đến năm 2025 đặt ra có thể đạt được là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, giảm 30% số người tiêu thụ muối, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát tăng cholesterol dưới 35%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30% …


Các bác sĩ, chuyên gia tại buổi tọa đàm.


Tại chương trình cũng diễn ra buổi tọa đàm giữa các chuyên gia, bác sĩ, giáo sư tại các bệnh viện trong và ngoài nước về các yếu tố nguy cơ, hậu quả và cách phòng tránh COPD và hen phế quản. Tại đây, các chuyên gia cũng chỉ ra 5 sai lầm khi điều trị bệnh COPD và hen phế quản, đó là: Tự ý dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, dẫn đến việc điều trị bệnh sai, dùng thuốc không đúng liều hoặc đủ liều; tâm lí muốn điều trị nhanh mà đi tự ý sử dụng thuốc liều cao hơn hoặc đến những nơi khám bệnh không uy tín, dẫn đến tiền mất, tật mạng; không tránh các yếu tố kích thích như thuốc lá, rượu bia…; không nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc, tự ý ngừng thuốc và cuối cùng là quá sợ hãi về việc sử dụng corticoid trong thuốc mà tự ý bỏ dùng các loại thuốc chứa corticoid mà bác sĩ đã kê đơn.

Cùng đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay xuất hiện tình trạng, một số bà mẹ nuôi con nhỏ có những triệu chứng như ho, thở khò khè… nghi do hen phế quản, đã tự ý mua khí dung và thuốc về để cho con uống, như vậy là hoàn toàn sai lầm. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Các chuyên gia cũng cho biết, để phòng tránh hen phế quản trong cộng đồng thì người dân cần chủ động đi khám khi xuất hiện triệu chứng ho kéo dài, thở khò khè, khó thở…; tránh các yếu tố kích thích; chế độ vận động tốt để có sức dẻo dai; tăng thể tích thở và quan trọng là giữ cho tinh thần luôn khỏe mạnh.

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu và tình nguyện viên đã tham gia chương trình đạp xe diễu hành nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. 

Một số hình ảnh đạp xe diễu hành tuyên truyền: 




(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.