Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực thanh tra các cấp

Mai Hữu| 25/08/2022 06:23

(HNM) - Trong thực tiễn hoạt động thanh tra tại thành phố Hà Nội, việc nảy sinh một số bất cập trong cơ cấu tổ chức lực lượng thanh tra các cấp đang đòi hỏi các cơ quan xây dựng pháp luật phải bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan. Đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao năng lực thanh tra các cấp.

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra, nhắc nhở người điều khiển phương tiện tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Mai Tiến

Bất cập trong cơ cấu tổ chức

Chánh Thanh tra huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, hằng năm đơn vị đều hoàn thành đúng tiến độ từ 90% trở lên các cuộc thanh tra thường xuyên và đột xuất trên nhiều lĩnh vực; tỷ lệ giải quyết đơn thư của cơ quan thanh tra đều đạt từ 85% trở lên. Tuy nhiên, hoạt động của cơ quan thanh tra huyện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Cơ sở vật chất đã xuống cấp; biên chế chưa bố trí đủ, còn có cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, các hoạt động thanh tra, giải quyết đơn thư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đôn đốc các quyết định, kết luận có hiệu lực pháp luật chất lượng chưa cao...

Theo đánh giá của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra thành phố Hà Nội năm 2021, chất lượng các cuộc thanh tra tại thành phố chưa đồng đều, trong đó chất lượng thanh tra của cấp huyện còn thấp. Nguyên nhân chính là chất lượng cán bộ thanh tra chưa đồng đều, đặc biệt là cấp huyện...

Về biên chế thanh tra cấp huyện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhận định, mỗi cơ quan thanh tra cấp huyện chỉ có 5-6 biên chế, rất khó khăn khi thực hiện nhiều nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra cấp huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho rằng, tổ chức hoạt động thanh tra xây dựng còn bất cập về cơ chế, chính sách, mô hình. Trước đây, Hà Nội thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại đội thanh tra xây dựng cấp huyện. Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan này khác nhau đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi công vụ.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, thực tế pháp luật về thanh tra còn có một số quy định bất cập, chưa phù hợp với hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông - vận tải nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc thù hoạt động...

Cần quy định phù hợp với thực tế

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, chú trọng việc rèn luyện ý thức, phẩm chất, kỹ năng, ứng xử trong công việc, trong tiếp xúc, làm việc với công dân... luôn được đơn vị quyết liệt thực hiện. Qua đó, góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật theo quy định để xây dựng hình ảnh đẹp và nâng cao uy tín, vị thế của đội ngũ cán bộ thanh tra các cấp của thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, vai trò thanh tra quận qua quá trình thực tế đã giúp UBND quận giải quyết nhiều vấn đề. Không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND quận thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng...

Nói về việc thí điểm chuyển đổi mô hình thanh tra, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và công vụ (Văn phòng Chính phủ) Hoàng Thị Ngân cho rằng, cần tổng kết việc thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng; đội quản lý trật tự, an toàn giao thông,… để có giải pháp pháp lý ổn định, đồng bộ với pháp luật về công vụ, xử phạt vi phạm hành chính, về tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước.

Tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ thanh tra cấp huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ngoài ra, cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra cấp huyện thời gian qua; khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra một số sở như trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi chỉnh lý là phù hợp với thực tế. Qua đó, thực hiện đúng chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực thanh tra các cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.