Ngày 19-7, tại trụ sở Ban Tổ chức Trung ương đã diễn ra phiên họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6).
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án và đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đồng chủ trì phiên họp.
Qua thảo luận, thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổ Biên tập và đồng tình với nhiều nội dung cơ bản của báo cáo tổng kết. Một số ý kiến nêu đề xuất về kết cấu của báo cáo; nhấn mạnh, làm rõ hơn về quan điểm, mục tiêu; thống nhất kỹ thuật thể hiện giữa các mục, chú trọng tính hợp lý; bổ sung một số nội dung cụ thể, quan trọng để nêu bật những ưu điểm, kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đề án tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án, xây dựng dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết mới về vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Kết luận tại phiên họp, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 Trương Thị Mai khái quát các nhóm vấn đề Ban Chỉ đạo cần tập trung thực hiện trước khi tiến hành phiên họp tiếp theo. Trong đó nêu rõ, tại phiên họp tới sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết.
Đồng chí nêu rõ, cần tiếp tục cân đối, hài hòa giữa các nội dung, các phần trong bản dự thảo Báo cáo, trong đó, cần nâng cao tính khái quát, thể hiện ngắn gọn, cô đọng, khái quát hơn.
Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 nhấn mạnh, nội dung quan trọng nhất của báo cáo là phần thứ 2 về quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nên Tổ Biên tập cần gia công cho phần này, đồng thời tập trung làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất là tiếp tục làm rõ bối cảnh của giai đoạn mới và dự báo tính hình thời gian tới. Thứ hai là tiếp tục tập trung vào yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, cho những mục tiêu phát triển tiếp theo.
Đồng chí lưu ý, báo cáo phải thể hiện được nội dung năng lực lãnh đạo của Đảng chiếm vị trí trung tâm, gắn với Nghị quyết Đại hội XIII và 10 nội dung về công tác xây dựng Đảng của Nghị quyết XIII.
Đồng chí lưu ý, đây là những nội dung gắn bó chặt chẽ, hòa quyện với nhau, bổ sung cho nhau để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cao hơn là năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới.
"Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng; đổi mới, gần dân hơn, đổi mới đường lối, quan điểm, đi vào cuộc sống tốt hơn; đổi mới để cán bộ, đảng viên chấp hành chủ trương của Đảng, phải là người truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng tới đời sống xã hội, người dân", đồng chí nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ giải pháp, đồng chí lưu ý, phương thức đầu tiên là Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, cương lĩnh, chiến lược. Để lãnh đạo thông qua đường lối, cương lĩnh, chiến lược, Đảng phải làm tốt năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược, năng lực thể chế, năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng.
"Muốn có đường lối, cương lĩnh tốt phải chăng cần có năng lực dự báo tốt, có tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở đó có năng lực thể chế, năng lực cụ thể hóa để đưa đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống", đồng chí nêu rõ.
Đồng chí nhấn mạnh, cần làm rõ trong nội dung Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, cương lĩnh, chiến lược có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điểm rất quan trọng, phải đưa lên đầu tiên là nâng cao năng lực thể chế thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thứ hai là hệ thống quy chế, quy định để đảm bảo các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Thứ ba là các điều lệ, quy chế của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, phải gắn với đường lối, quan điểm của Đảng. Thứ tư là năng lực cụ thể hóa của cấp ủy, tổ chức Đảng để đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống.
Trong công tác tuyên truyền, vận động, đồng chí nhấn mạnh, Đảng tuyên truyền, vận động không chỉ trong cán bộ, đảng viên, mà còn trong quần chúng nhân dân. Đối với công tác cán bộ, cần tập trung làm rõ những việc gần đây đề cập nhiều, đó là vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xây dựng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị; mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; vai trò người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ cấp chiến lược...
"Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bản chất vẫn là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức lãnh đạo đáp ứng được năng lực của Đảng cầm quyền", Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.