(HNM) - Kết thúc năm 2010, một chỉ tiêu gây ấn tượng nhất, được hầu hết các đài, báo (kể cả các trang tin điện tử trong và ngoài nước) xếp vị trí đầu tiên trong 10 sự kiện của năm là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tính theo giá thị trường được làm ra (GDP) năm nay của cả nước tăng 6,78% so với năm ngoái, cao hơn chỉ tiêu 6,5% Quốc hội đề ra.
Đạt được kết quả trên trong một năm rất khó khăn: thiên tai, dịch bệnh liên miên; giá cả hàng hóa biến động; kinh tế thế giới hồi phục chậm sau khủng hoảng… là một cố gắng rất lớn, có thể nói là ít ai ngờ. Kết quả trên cũng đánh dấu một kỷ lục ngoạn mục là 25 năm qua, chúng ta đều liên tục giữ được tăng trưởng dương dù phải trải qua 2 thời kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới rất khốc liệt. Cũng bắt đầu từ năm nay, GDP tính theo đầu người của nước ta (trong bối cảnh dân số tiếp tục gia tăng) đã vượt ngưỡng đáy tức là những nước nghèo nhất thế giới, để tham gia vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp. Đó là kết quả đáng tự hào của 25 năm đổi mới, là nguyên nhân quan trọng nhất để thay đổi bộ mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta vào thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đó cũng là món quà rất có ý nghĩa chào mừng Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ họp trong tuần này.
Trên đà thắng lợi ấy, vấn đề được đặt ra lúc này là nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng. Năm nay, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng 7% đến 7,5%, nếu khống chế được lạm phát và không có những nảy sinh đột xuất, đó là mục tiêu vừa sức, có thể đạt được. Nhưng nâng cao chất lượng tăng trưởng là một yêu cầu không dễ thực hiện. Nâng cao chất lượng tăng trưởng là phải bảo đảm cho sự tăng trưởng đó thật vững chắc, từ các yếu tố nội sinh chủ yếu là lao động và chất xám tích tụ trong hàng hóa và sản phẩm dịch vụ; tăng trưởng nhưng vẫn bảo vệ tốt tài nguyên, môi trường sinh thái của đất nước. Theo một thông tin được công bố mới đây, mức tăng trưởng cao của nước ta có 52% do nguồn vốn nước ngoài, các yếu tố từ tài nguyên không tái tạo của đất nước cũng chiếm phần đáng kể, chỉ có 20% do tích tụ từ lao động và chất xám của con người Việt Nam. Một vài dẫn chứng, theo Báo Nhân Dân, năm 2010 nước ta đã xuất khẩu và thu về được 11,1 tỷ USD từ hàng dệt may nhưng tiền nhập nguyên liệu đã chiếm 9 tỷ USD; một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thiếu điện trầm trọng nhiều năm gần đây, dù tốc độ tăng trưởng của ngành điện đạt 14%, là do mức tiêu thụ điện năng trên một đơn vị sản phẩm của nước ta cao gấp 1,5 đến 1,7 lần các nước trong khu vực. Không chỉ tài nguyên, sau hơn 20 năm phát triển, môi trường sống đang xuống cấp nghiêm trọng.
Mức sống của người dân đã được nâng lên khá rõ rệt; vốn dự trữ trong nước đã đủ để đầu tư cả những công trình lớn, việc tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài không còn trong hoàn cảnh càng nhiều càng tốt, bằng mọi giá để có tiền nữa, chúng ta đã có những thuận lợi rất quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững. Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, thời cơ lớn đang mở ra cho một thời kỳ mới rạng rỡ hơn, nếu chúng ta biết nắm lấy thời cơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.