(HNM) - Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” (sau đây gọi là mô hình chuyển gửi), phóng viên Báo Hànộimới đã lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):
Đã thực hiện thành công ở nhiều quốc gia
Mô hình chuyển gửi đã được thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới, góp phần giảm tỷ lệ phạm tội, tăng tỷ lệ có việc làm tại cộng đồng của nhóm đối tượng sử dụng ma túy; đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị, cai nghiện ma túy. Tại Việt Nam, sau Hà Nội, mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai tại một số tỉnh, thành phố khác, qua đó hình thành, phát triển các điểm tư vấn vệ tinh, tạo thành mạng lưới dịch vụ hỗ trợ điều trị cai nghiện luôn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng, gia đình và người sử dụng ma túy.
Ông Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ):
Hướng tới giảm tỷ lệ phạm tội có liên quan đến ma túy
Mô hình chuyển gửi là giai đoạn đầu để thực hiện mô hình tòa ma túy mà nhiều nước đã triển khai. Hiện nay, Việt Nam đã có những căn cứ pháp lý và thực tiễn để áp dụng mô hình tòa ma túy với tên gọi dự kiến là “Chương trình hỗ trợ, tư vấn, chuyển gửi, điều trị cai nghiện ma túy có sự tham gia của tòa án”. Đây là một chương trình tổng hợp, kết nối giữa các giải pháp về tư pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy, giúp họ tích cực điều trị.
Ông Terrence Walton, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chuyên gia tòa ma túy Hoa Kỳ (NADCP):
Có thể nhân rộng mô hình ở Việt Nam
Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang gặp khó khăn trong công tác điều trị cai nghiện ma túy. Tại Mỹ, việc áp dụng tòa ma túy và chương trình chuyển gửi trên phạm vi cả nước đã góp phần giúp cho những người sử dụng ma túy có thể ngưng sử dụng ma túy, quay về với gia đình, tìm việc làm, đóng góp cho cộng đồng. Việc áp dụng tòa ma túy ở các quốc gia khác nhau, tất yếu phải khác nhau, nhưng đều có điểm chung là có thể sử dụng hệ thống tư pháp hiện có, không cần tòa án, thẩm phán riêng như nhiều người thường nghĩ. Do đó, Việt Nam có thể nhân rộng mô hình này.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI):
Tập huấn chuyên sâu cho tư vấn viên, tình nguyện viên
Từ kinh nghiệm làm việc với nhiều tổ chức quốc tế về tư vấn và điều trị nghiện ma túy, chúng tôi nhận thấy mô hình chuyển gửi có nhiều ưu điểm. Bởi vì, mô hình này có sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật - những người tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất với người sử dụng ma túy trên địa bàn, nên họ chính là “cánh cửa” để người sử dụng ma túy được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện... Để mô hình tăng tính khả thi, SCDI đã, đang tổ chức nhiều chương trình, hoạt động trao đổi, tập huấn chuyên sâu nhằm chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, tư vấn viên, tình nguyện viên tham gia mô hình chuyển gửi tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.