(HNMO) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ) quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức hội nghị tổng kết năm 2015 và phương hướng công tác năm 2016.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo BCĐ, tính đến ngày 15-11, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 186.989 vụ vi phạm (tăng 6,47% so với cùng kỳ); số thu nộp ngân sách Nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và truy thu thuế đạt hơn 11.535 tỷ đồng (tăng 5,75% so cùng kỳ); cơ quan chức năng đã khởi tố 1.123 vụ đối với 1.281 đối tượng. Nhiều địa phương đã vào cuộc, chủ động kiểm tra, phòng chống và phát hiện, xử lý vi phạm đạt kết quả cao. Đơn cử, các lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra 62.674 vụ việc, xử lý 20.621 vụ, với tổng số tiền phạt và giá trị hàng vi phạm là 2.294 tỷ đồng.
Trên thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng trái phép qua biên giới, kể cả các loại hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, pháo các loại… vẫn diễn biến phức tạp; ở cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
Có một số nguyên nhân khiến hoạt động vi phạm chưa “hạ nhiệt” như: Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo, bất cập. Tình trạng thiếu trang thiết bị chuyên dùng cho hoạt động dấu tranh chống vi phạm, nhất là đối với những thiết bị đòi hỏi công nghệ cao, đắt tiền; các địa bàn xảy ra vi phạm rộng lớn, có sự cấu kết của đối tượng trong và ngoài nước, kể cả nạn bảo kê, tiếp tay của một bộ phận trong lực lượng chức năng; thiếu sự phồi hợp kịp thời, nhịp nhàng giữa các lực lượng ….
Đại diện một số địa phương đề xuất, BCĐ cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, hạn chế nêu trên, phát huy kết quả đã đạt được. Đặc biệt, các đơn vị mong muốn được bổ sung kinh phí cho hoạt động thường xuyên, mua sắm trang thiết bị chuyên dùng,
BCĐ cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán 2016 và năm sau, các lực lượng chức năng sẽ tập trung phối hợp, tập trung điều tra, làm rõ và xử lý các vi phạm; đặc biệt là đối với những mặt hàng có thuế suất cao, đang “hot” trên thị trường gồm: Tân dược, thực phẩm chức năng, sữa, điện thoại di động… Đồng thời, các đơn vị sẽ gia tăng tần suất thực hiện kiểm tra, chủ động theo dõi, bám sát địa bàn, nhất là tại các bến tàu xe, đường mòn biên giới, cảng biển, sân bay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác phòng chống vi phạm đạt những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua nhưng vẫn còn bộc lộ một số bất cập, cần nhận diện, giải quyết để tăng cường hiệu quả trong thời gian tới. Các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin, quy định của Nhà nước cũng như ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ; nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm đạo đức công vụ, tuyệt đối phòng tránh các hành vi tiêu cực. Thời gian tới, các đơn vị, lực lượng cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, với tinh thần quyết tâm và nỗ lực nhằm phát hiện những hàng ổ, nhóm buôn lậu, sản xuất và lưu thông hàng giả cũng như gian lận thương mại lớn để triệt phá. Làm được như vậy cũng là sự đóng góp thiết thực cho việc cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư-kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN chận chính và người tiêu dùng …
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.