(HNM) - Thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc khu vực miền núi.
Bùi Văn Hải (học sinh Trường THCS Đông Xuân, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) và các bạn rất thích thú khi được tham gia chương trình giới thiệu văn hóa Mường. Lần đầu được hướng dẫn cách đánh cồng, được nghe giới thiệu về những bài cồng chiêng của dân tộc Mường, Hải và các bạn rất mong được tìm hiểu, học tập nhiều hơn để có thể tham gia đội cồng chiêng của xã, hát múa những điệu cổ như ông bà, cha mẹ từng biểu diễn.
Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, triển khai đề án Bảo tồn và Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, từ đầu năm 2018, huyện đã tổ chức 2 lớp giới thiệu văn hóa Mường cho khoảng 400 học sinh tại hai trường THCS xã Đông Xuân và xã Phú Mãn, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện còn tổ chức hội thao, tập huấn về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu văn hóa cồng chiêng Mường. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa - Thông tin huyện đã trang bị 12 bộ cồng chiêng cho các xã, thôn tập trung đông đồng bào sinh sống, xây dựng 2 đội cồng chiêng nòng cốt ở 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn.
Cùng mục tiêu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện: Ba Vì, Thạch Thất và Mỹ Đức tiếp tục triển khai đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số năm 2018”. Huyện Ba Vì còn đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa, lồng ghép với các lễ hội ở địa phương… góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân.
Bên cạnh đó, mục tiêu nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi cũng được đặc biệt quan tâm. Theo Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Hắc Hải, từ đầu năm 2018 đến nay, huyện và xã An Phú triển khai quyết liệt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Xã An Phú đã hoàn thành việc xây mới và sửa chữa nhà ở cho 71 hộ với kinh phí gần 2,8 tỷ đồng, giúp các hộ nghèo an cư để lạc nghiệp, tập trung sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước vươn lên. Ngoài ra, gần 200ha ruộng trũng đã được người dân chủ động chuyển đổi sang trồng sen, tạo nhiều việc làm, cho thu nhập cao và ổn định.
Tại huyện Ba Vì, nơi tập trung đông bà con dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả hơn nhằm mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới vào năm 2020. Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đinh Mạnh Hùng cho biết, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc; động viên đồng bào chủ động vươn lên trong sản xuất và đời sống. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật tiên tiến, học tập kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức sản xuất… được đẩy mạnh đã từng bước giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Tại các huyện, hoạt động dạy nghề, tập huấn kỹ thuật được triển khai tích cực. Huyện Thạch Thất tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi ong cho hơn 710 lượt người ở 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Huyện Mỹ Đức tổ chức dạy nghề làm mây tre đan cho bà con... Bằng tinh thần chủ động vươn lên cộng với sự hỗ trợ hiệu quả từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi Thủ đô đang đổi thay từng ngày.
TP Hà Nội hiện có hơn 92.000 người dân tộc thiểu số thuộc 50 thành phần dân tộc (ở 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức), chiếm 1,2% dân số toàn thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ở khu vực này đạt hơn 13%; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (hơn 3%/năm). Toàn thành phố không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn; đã có 6/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.