Nông thôn mới

Huyện Thạch Thất: Nỗ lực nâng cao đời sống vùng dân tộc thiểu số

Ánh Dương 02/12/2023 09:01

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện Thạch Thất tích cực thực hiện các biện pháp giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số ở các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình.

thach-that.jpg
Gia đình chị Đinh Thị Nguyệt, hội viên phụ nữ thôn 2, xã Tiến Xuân được nhận nhà “mái ấm tình thương” tháng 8-2023.

Chung sức giảm nghèo

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất, năm 2020, toàn huyện có 156 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,27% tổng số hộ dân cư, trong đó có 11 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Thực hiện công tác giảm nghèo, các xã vùng núi của huyện Thạch Thất đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo gắn với an sinh xã hội.

Cùng với đó, công tác huy động và giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được duy trì, góp phần tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho hộ nghèo và cận nghèo.

Là một trong 3 địa phương vùng núi của huyện Thạch Thất, xã Tiến Xuân có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 68,6%, dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm 31,4%. Những năm qua, xã Tiến Xuân luôn thực hiện đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với những hộ nghèo, cận nghèo, nhằm bảo đảm an sinh xã hội; giúp đỡ và khuyến khích các hộ nghèo phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực phát triển sản xuất để ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Tuân chia sẻ: Công tác giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm của xã. Đảng ủy xã cũng đã chỉ đạo 3 đoàn thể nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, đó là: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Trên cơ sở đó, các đơn vị tập trung tuyên truyền chính sách cho vay vốn ưu đãi của nhà nước; rà soát, cho vay đúng đối tượng; hướng dẫn đoàn viên, hội viên sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao. Hiện, tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại xã Tiến Xuân đang cho 405 hộ vay là gần 17,5 tỷ đồng.

Phó Bí thư Chi bộ thôn 1 Đinh Văn Thành cho biết: Năm 2021, thôn có 3 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Nhờ thực hiện các chính sách ưu đãi như trao tặng bò sinh sản, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, nên gia đình bà Bùi Thị Lý, ông Bùi Văn Dự đã thoát nghèo. Đến nay, thôn 1 chỉ còn 1 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân Bùi Thị Ngọc cũng chia sẻ: Trong công tác giảm nghèo của xã, thôn 2 cũng là địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Điển hình là trường hợp gia đình ông Đinh Viết Thảo, nhà nghèo, 2 vợ chồng đều già yếu, nhà ở đã xuống cấp. Năm 2023, UBND xã Tiến Xuân đã kêu gọi xã hội hóa, mua tặng gia đình ông Thảo 1 con bò sinh sản trị giá gần 20 triệu đồng.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạch Thất cũng hỗ trợ gia đình ông Thảo 100 triệu đồng để xây nhà Đại đoàn kết. Chính quyền địa phương cùng các tổ chức, đoàn thể xã hỗ trợ ngày công lao động và tặng vật dụng thiết yếu sau... Nhờ đó, gia đình ông Thảo đã thoát nghèo. Hay như trường hợp chị Đinh Thị Nguyệt, là hội viên phụ nữ thôn 2, có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ xây nhà “mái ấm tình thương”, giúp ổn định cuộc sống. Nhờ đó đến nay, thôn 2 không còn hộ nghèo, chỉ có 1 hộ cận nghèo. Tính đến cuối năm 2023, xã Tiến Xuân chỉ còn 2 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo.

Tại địa bàn xã Yên Trung, có 959 hộ dân với 4.056 nhân khẩu, trong đó có 82% là người dân tộc Mường. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung Nguyễn Văn Lịch cho biết, hằng năm, địa phương thực hiện rà soát, xét duyệt các đối tượng khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, người cao tuổi từ đủ 80, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... để thực hiện chế độ bảo trợ xã hội theo quy định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Song song với đó, địa phương cũng nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới; giúp đỡ, khuyến khích các hộ nghèo, cận nghèo phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực để vươn lên thoát nghèo.

Năm 2023, tổng số vốn tín dụng ưu đãi tại xã đạt gần 15,4 tỷ đồng, cho 342 hộ vay để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cũng đã huy động tiền tiết kiệm được tổng số hơn 580 triệu đồng để giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Qua rà soát, tính đến tháng 11-2023, xã Yên Trung có 3 hộ nghèo trong đó có 1 hộ là dân tộc Kinh, 2 hộ dân tộc Mường và 9 hộ cận nghèo đều là dân tộc Mường.

Còn tại xã Yên Bình, với 42% dân số là người dân tộc Mường, trong những năm qua, Yên Bình luôn chú trọng thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đoàn Thị Thịnh thông tin: Cùng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, sự nỗ lực của các hộ nên đến cuối năm 2023, Yên Bình không còn hộ nghèo, chỉ còn 15 hộ cận nghèo, trong đó có 4 hộ là người dân tộc Mường.

Nhiều biện pháp thiết thực

Tích cực thực hiện các biện pháp giảm nghèo, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Thạch Thất đã kiện toàn các Ban chỉ đạo giải quyết việc làm và trợ giúp người nghèo; tổ chức đào tạo nghề cho 12.943 lao động, đạt 107,8% so với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra; giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 17.383 lao động (đạt 111,4%).

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân huyện tích cực vận động hội viên, đoàn viên của mình tích cực tham gia thực hiện công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo như vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, về giống, vốn...

Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thất, giai đoạn năm 2021 - 2023, tổng dư nợ cho vay vốn ưu đãi trên địa bàn huyện là 554,3 tỷ đồng, trong đó đối tượng được vay vốn là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình có người khuyết tật, hộ được vay theo chương trình nước sạch... Nhìn chung các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích.

Ngoài ra, MTTQ huyện và các xã, thị trấn cũng đã vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" được 9,63 tỷ đồng. Trên cơ sở đó đã tổ chức rà soát, triển khai xây mới 45 nhà, sửa chữa 58 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng; tặng 10 xe máy, 10 xe điện, 118 máy vi tính, 96 máy tính bảng, 183 điện thoại thông minh kèm sim data, 10 ti vi thông minh cho học sinh nghèo, tổng trị giá 2,246 tỷ đồng... Nhờ đó, các hộ có việc làm, thu nhập ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện tốt các chế độ chính sách như cấp 13.009 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho 2.159 lượt học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo, tổng kinh phí 8,7 tỷ đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí cho 1.832 lượt học sinh, tổng số 2,72 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 344 lượt hộ nghèo, 581 lượt hộ chính sách với số tiền 1,1 tỷ đồng...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Các phong trào thi đua: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau", ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo",... đã thực sự đi vào cuộc sống, thu hút cán bộ và nhân dân huyện tích cực tham gia. Cùng với đó, UBND huyện đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thống nhất việc tham gia giám sát của MTTQ trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững tại các xã, thị trấn. Tính đến tháng 11-2023, huyện Thạch Thất chỉ còn 25 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,04%; 1.683 hộ cận nghèo (2,99%), đặc biệt là các xã vùng núi Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân có tỷ lệ số hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện thấp của huyện.

Thời gian tới, huyện Thạch Thất tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện, khuyến khích các hộ thoát nghèo và vươn lên có mức sống khá. Đặc biệt, huyện tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số và phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện không còn hộ nghèo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thạch Thất: Nỗ lực nâng cao đời sống vùng dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.