Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong hai ngày (20, 21-9), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Nhiệm kỳ này, Hội Nông dân Hà Nội chọn hai khâu then chốt để tạo đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới: Công tác chuyển đổi số và liên kết sản xuất.
Yêu cầu tất yếu
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố đã nhận rõ lợi ích của chuyển đổi số, sức mạnh của công nghệ số và liên kết sản xuất đối với đời sống, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn chia sẻ, huyện đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất; điển hình như các mô hình sản xuất rau, quả an toàn, hữu cơ… Đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, ứng dụng công nghệ, sản xuất xanh gắn với chuyển đổi số, liên kết sản xuất giúp các làng nghề như Bát Tràng, Kim Lan... phát triển bền vững.
Tương tự, các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Chương Mỹ… là những địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc chọn hai khâu đột phá về chuyển đổi số, liên kết sản xuất là yêu cầu bắt buộc trong quá trình trở thành quận. Cụ thể, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn; livestream bán hàng trên mạng xã hội; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, gắn mã số, mã vạch, mã QR cho sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám chia sẻ: Với quy mô sản xuất 17,8ha, là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội, đơn vị đã ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap; liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, các đơn vị tiêu thụ nông sản an toàn. Nhờ đó, 70% sản phẩm được tiêu thụ ổn định, giúp hợp tác xã phát triển, nông dân có thu nhập tốt...
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Lê Thị Thanh Nhàn, nông dân Hà Nội đã xây dựng được nhiều mô hình chuyển đổi số, liên kết sản xuất hiệu quả; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên nông dân sử dụng mạng internet, mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, cập nhật quy trình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh với 44.000 lượt hội viên. Hội còn phối hợp với Bưu điện thành phố, Viễn thông Hà Nội tổ chức hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân; đưa 1.871 sản phẩm OCOP và 54 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.
Các huyện, thị Hội xây dựng được 52 địa điểm giới thiệu, quảng bá nông sản an toàn trên địa bàn thành phố; phối hợp tổ chức 125 cuộc tư vấn, tập huấn kỹ năng xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu nông sản cho 14.450 lượt hội viên, nông dân…
Tiếp tục chọn hai khâu để tạo đột phá
Những thành công bước đầu khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp Hội Nông dân, hội viên, nông dân Thủ đô trên con đường hội nhập, bắt nhịp xu thế thời đại công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, việc tham gia thực hiện chuyển đổi số, liên kết sản xuất của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhận thức của một bộ phận hội viên, nông dân về hai khâu đột phá chưa đầy đủ; nhiều hội viên, nông dân chưa được đào tạo, tập huấn bài bản; hạn chế về nguồn nhân lực chuyên môn cao trong nông nghiệp số; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị sau chế biến, bảo quản…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa, để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số, liên kết sản xuất trong nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục tuyên truyền về nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho hội viên, nông dân; thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến; tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên hiểu, vận dụng và hình thành ý tưởng về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm...
Đối với nội dung liên kết sản xuất, Hội tập trung hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với tổ chức xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng có mối quan tâm; cùng trách nhiệm; cùng chia sẻ; cùng hưởng lợi); tích cực tư vấn, xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm thế mạnh của địa phương nhằm tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.