Nông thôn mới

Chương Mỹ tập trung nâng cao đời sống người dân

Kim Nhuệ 26/12/2023 - 07:16

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (ngày 23-5-2022), Chương Mỹ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là khu vực nông thôn.

Đến thời điểm này, Chương Mỹ đã có 7 xã đủ điều kiện đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo tiền đề quan trọng để vươn tới đích huyện nông thôn mới nâng cao.

chuong-my.jpg
Mô hình chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây bưởi hữu cơ tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều kết quả tích cực

Trần Phú là một trong những xã khó khăn nhất huyện Chương Mỹ vì địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa yếu vừa thiếu; đời sống của người dân chưa cao, nhất là thôn Đồng Ké có đông đồng bào dân tộc sinh sống... Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chung tay góp sức của nhân dân, Trần Phú về đích xã nông thôn mới từ năm 2016.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch UBND xã Trần Phú Nguyễn Văn Long cho biết, xã xác định tiêu chí thu nhập có vai trò quan trọng, ngoài mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân còn giữ vai trò đòn bẩy, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí khác. Vì vậy, xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại và các ngành nghề: Chế biến nông sản, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng...

Bên cạnh đó, xã đã trợ giúp 801 lượt hộ dân vay ưu đãi hơn 27 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh... Thực tế, trên địa bàn xã Trần Phú hiện có 88 hộ dân phát triển kinh tế trang trại, doanh thu bình quân từ 300 triệu đồng trở lên.

Là một trong những hộ có thu nhập khá nhờ mạnh dạn chuyển 5.000m2 đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, ông Nguyễn Viết Đăng, người dân thôn Đồng Ké chia sẻ: "Tôi nuôi lợn, gà, cá. Trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 300-500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương với thu nhập 200.000 đồng/ngày".

Hiện thu nhập bình quân của xã Trần Phú đạt 70,57 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm hoàn thành chương trình xây dựng xã nông thôn mới. Xã chỉ còn 5 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, giúp Trần Phú hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Được công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2021, Thủy Xuân Tiên đang phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Chủ tịch UBND xã Thủy Xuân Tiên Nguyễn Văn Mạnh thông tin, để nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập, ngoài tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa hàng hóa vào canh tác, xã quan tâm phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trong khoảng 7-
10 triệu đồng/người/tháng... Từ hiệu quả phát triển kinh tế, thu nhập bình quân của người dân xã Thủy Xuân Tiên hiện đạt 78,55 triệu đồng/người/năm.

Kết quả tích cực của các xã đã góp phần tăng thu nhập bình quân trên địa bàn Chương Mỹ. Năm 2023, con số này ước đạt 74 triệu đồng/người/năm.

Tiếp tục hành trình nông thôn mới nâng cao

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội vừa thẩm định và đánh giá 7 xã trên địa bàn huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, kết thúc năm 2023, huyện Chương Mỹ sẽ có 11 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Phấn khởi trước đổi mới của quê nhà, ông Trần Châm, người dân thôn Dương Kệ (xã Trần Phú) nói: “Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao rất ý nghĩa, làm được nhiều việc cho dân: Làm đường; xây mới, nâng cấp nhà văn hóa, trạm y tế, trường học khang trang; nhiều mô hình kinh tế mới được phát triển… Cứ đà này quê hương tôi ngày càng giàu đẹp”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu khẳng định, điểm tựa lớn nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương chính là sự vào cuộc sát sao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung sức từ nhân dân. Trải qua hơn 10 năm, từ những "viên gạch" nông thôn mới đầu tiên, người dân Chương Mỹ đã ý thức sâu sắc vai trò chủ thể đối với phong trào, xác định việc duy trì, nâng cao tiêu chí nông thôn mới là "làm vì mình, làm cho mình".

Phát huy kết quả đạt được, huyện Chương Mỹ đặt mục tiêu năm 2024 có thêm 3 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 3 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 79 triệu đồng/người/năm...

Để hoàn thành mục tiêu trên, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, năm 2024, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Đồng thời, huyện tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản... Đặc biệt, huyện tiếp tục huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Rõ ràng, khi có lộ trình với những giải pháp phù hợp, cụ thể cùng sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp huy động sự vào cuộc của người dân trong xây dựng nông thôn mới thì việc khó mấy cũng thành công. Chương Mỹ luôn xác định "Xây dựng nông thôn mới là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ tập trung nâng cao đời sống người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.