(HNM) - Hiện nay diện tích công viên, vườn hoa ở thành phố còn quá ít so với quy mô dân số, chưa kể tới khả năng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghiên cứu, tìm hiểu của người dân.
Trẻ em vui chơi tại Công viên Nghĩa Đô, một trong những công viên được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Anh Tuấn |
Thiếu điểm vui chơi công cộng và những hệ lụy
Chị Nguyễn Thị Hoa (Khu đô thị La Khê, phường La Khê, Hà Đông) vừa đưa con đi chơi bằng chiếc xe đẩy hàng qua các gian hàng trong siêu thị Metro, vừa nói chuyện: “Con tôi là đứa trẻ hiếu động, thích tìm hiểu, khám phá những điều mới mẻ. Thế nhưng, ở Khu đô thị La Khê không có sân chơi, vườn hoa, cho con chơi trên vỉa hè thì sợ nguy hiểm, đi chơi xa thì không có thời gian, đưa con vào siêu thị vẫn là cách nhiều bà mẹ lựa chọn". Không riêng gì gia đình chị Hoa, nhiều gia đình sống trong Khu đô thị La Khê, nhất là các hộ sinh sống tại các tòa nhà chung cư đã phải “tận dụng” hành lang tầng nhà, vỉa hè tòa nhà hoặc siêu thị làm điểm vui chơi cho trẻ và các thành viên trong gia đình. Và, vào các ngày cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ, tết, tất cả lại phải "xách balô" và đến các điểm vui chơi cách đó từ vài kilômét đến hàng chục cây số.
Nếu nói hầu hết các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội không có sân chơi, vườn hoa chưa hẳn đã đúng. Nhưng có một thực tế rất đáng buồn, diện tích dành cho các sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí thường quá nhỏ, hoặc bị lấn chiếm bởi đủ thứ hàng quán. Ngay cả Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) - được đánh giá là khu đô thị kiểu mẫu, nhưng diện tích công viên, vườn hoa chỉ đủ cho con trẻ đạp xe vòng vòng, cho người già chơi cầu lông hoặc tập thể dục... Buồn hơn, nhiều vườn hoa trong các khu dân cư chỉ là bãi đất trống hay thảm cỏ với vài chiếc ghế đá, không ít nơi đã biến thành bãi đỗ xe hay “bãi đáp” của tệ nạn xã hội.
Một thực tế khác, hệ thống công viên, vườn hoa lâu đời, quy mô lớn, nằm giữa lòng đô thị đông đúc như: Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Vườn hoa Hà Đông, Sơn Tây… đều hết sức nghèo nàn về "sản phẩm" công cộng của mình. Ngoại trừ Công viên Thủ Lệ có khu trưng bày thú có vẻ "lạ", còn hầu hết bao nhiêu năm nay, quanh đi quẩn lại tất thảy vẫn là đu quay, tàu lượn, ô tô đụng, đạp vịt… Những trò cũ này không đủ sức hấp dẫn với những người có nhu cầu giải trí, cũng không có gì để tìm hiểu, nghiên cứu. Vì vậy, không ít công viên đã biến thành nơi để người cao tuổi đi bộ, tập thể dục, chỗ bán hàng rong với đủ loại rau quả, quần áo. Đến Công viên Thống Nhất vào buổi sáng, phần đông là những người may ô quần đùi, thậm chí cả quần áo ngủ hùng hục tập thể dục hoặc tranh thủ "buôn chuyện"... Không ít công viên trong thành phố cũng có cảnh tương tự.
Thiếu chỗ chơi, con trẻ đánh bạn với chiếc máy vi tính, người già quanh quẩn với không gian chật hẹp của bốn bức tường là điều dễ hiểu và đây không phải là "câu chuyện bây giờ mới kể". Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt phân tích: Không gian công cộng là môi trường sinh hoạt, tương tác tự nhiên, chân thực nhất của đời sống xã hội. Vì thế, thiếu điểm sinh hoạt công cộng khiến số trẻ em ham mê các trò chơi điện tử, internet, sống ảo ngày một nhiều; kỹ năng giao tiếp, ứng xử ngày càng bộc lộ những hạn chế. Người lớn quanh quẩn trong nhà nên tình cảm xóm giềng và các mối quan hệ gắn kết cộng đồng không bền chặt như xưa.
Chủ động nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng
Nhìn nhận công viên, vườn hoa là điểm sinh hoạt văn hóa, là một thực thể không thể thiếu trong đời sống đô thị, Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng thêm 25 công viên, cải tạo, nâng cấp hệ thống công viên, vườn hoa hiện có cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân. Và đến thời điểm này, thành phố đã khởi công xây dựng Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, Công viên hồ điều hòa Mai Dịch, Công viên hồ điều hòa CV1, Khu đô thị mới Cầu Giấy. Nhiều dự án công viên hồ điều hòa khác sẽ được khởi công xây dựng tại các khu đô thị trong tương lai gần. Những dự án công viên này có điểm chung là diện tích mặt nước đủ rộng, cây xanh rợp bóng, đường dạo thoáng đãng và nhiều công trình phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội, thể thao ngoài trời… Cùng với đó, Công viên Bách Thảo, Công viên - Vườn thú Thủ Lệ… sẽ được nâng cấp, cải tạo thành công viên chuyên đề như tên gọi vốn có.
Tuy nhiên, để những dự án công viên này trở thành hiện thực và để Hà Nội có một hệ thống công viên đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu trang bị tri thức cũng như giải trí của các tầng lớp nhân dân như: Công viên công nghệ dành cho những người đam mê khoa học, công viên sinh thái dành cho những người thích khám phá thiên nhiên, công viên vui chơi dành cho trẻ em... là cả một câu chuyện dài. Và vấn đề ở đây không chỉ là các chính sách huy động nguồn vốn, thu hút đầu tư mà còn là thiết kế, quản lý, vận hành. Làm thế nào để Hà Nội có thêm nhiều công viên - những công viên đúng nghĩa, đủ sức hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị vẫn là một câu hỏi.
Ở một cách tiếp cận khác về không gian công cộng, KTS Phạm Thúy Loan, Viện Kiến trúc quốc gia nhận định: Việc xây dựng hệ thống công viên, hồ điều hòa hiện đại, đa chức năng giữa các khu đô thị đông dân cư không chỉ giúp Hà Nội khắc phục được “khiếm khuyết” đô thị, mà còn góp phần giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp cho Thủ đô. Và dưới góc nhìn văn hóa, ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng: “Hà Nội xây dựng thêm nhiều công viên - hồ điều hòa, đồng nghĩa với việc thành phố chủ động tạo ra không gian, môi trường để bảo tồn nhiều di sản văn hóa đặc trưng, nhằm thực hành và lan tỏa những giá trị cốt lõi trong lối sống, văn hóa ứng xử của người Hà Nội”.
Có thể nói, vườn hoa, công viên là một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị. Hệ thống này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân thành phố trước sức ép đô thị hóa và những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà còn góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Cũng vì vậy, thông tin về việc xây dựng, cải tạo công viên của thành phố đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân Thủ đô. Với chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa đặc thù, mong rằng trong quá trình xây dựng, cải tạo các cơ quan chức năng sẽ quan tâm đến chất lượng, công năng của mỗi công viên, vườn hoa; đồng thời làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Theo đánh giá hiện trạng tại “Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, diện tích công viên, vườn hoa ở 10 quận nội thành chỉ chiếm 1,92%, tương đương mỗi người dân nội thành có 2,08m2 vườn hoa, sân chơi. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các thành phố lớn của Nhật Bản là 7,5m2, ở Anh, Mỹ xấp xỉ 30m2… Quận Thanh Xuân có gần 30 vạn dân sinh sống, hiện chưa có công viên, vườn hoa nào đi vào hoạt động... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.