(HNM) - Chất lượng dạy và học ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu, đó là một trong những hạn chế được chỉ ra tại báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chất lượng dạy và học ngoại ngữ của TP Hà Nội được đánh giá tốt hơn hẳn so với bình quân cả nước. Ảnh: Bá Hoạt |
Yếu và thiếu
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017, cả nước có hơn 4,9 triệu học sinh theo học chương trình tiếng Anh 10 năm, tăng 3,1 triệu học sinh so với năm học 2015-2016. Riêng Hà Nội đã triển khai đại trà chương trình này tại 100% số trường THPT, trong đó mỗi trường có ít nhất hai lớp 10 dạy theo chương trình tiếng Anh 10 năm - chương trình ngoại ngữ quy định tại Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, được triển khai từ năm học 2010-2011 theo hình thức bắt buộc, bắt đầu từ lớp 3. Đề án đặt mục tiêu có 100% học sinh lớp 3 học theo chương trình này vào năm học 2018-2019.
Mặc dù số lượng học sinh học tiếng Anh tăng đáng kể so với trước, nhưng so với mục tiêu của đề án vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cấp THPT mới chỉ có 4% học sinh học tiếng Anh 10 năm, tỷ lệ này của THCS là 35% và tiểu học là 47%. Thực tế này cho thấy, dù có cố gắng cỡ nào thì trong vòng 1 năm tới, việc đạt tỷ lệ 100% học sinh tiểu học được học chương trình tiếng Anh 10 năm như mục tiêu của đề án đề ra là không khả thi.
Không chỉ hạn chế về quy mô, chất lượng dạy học môn tiếng Anh cũng đang ở mức báo động. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, trong số gần 480.000 bài thi môn tiếng Anh, tỷ lệ bài thi đạt điểm 10 chỉ đạt 0,5% và điểm trung bình chỉ ở mức 3,5. Tương tự, năm 2017, điểm trung bình môn này là 4,6, thấp nhất trong số 9 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, trong đó, đa số học sinh chỉ đạt từ 2 điểm đến 5 điểm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên nhưng chủ yếu do thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy và không đủ lượng giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu. Ở nguyên nhân đầu tiên, dễ thấy sự thiếu hụt về trang thiết bị tại các trường học, nhất là ở khu vực khó khăn. Chẳng hạn như tại Trường THPT Thạch Thất (huyện Thạch Thất, Hà Nội), theo nhận xét của em Kiều Thị Lan, học sinh của trường, việc học tiếng Anh chủ yếu thông qua đài cassete và băng đĩa; các em không có nhiều cơ hội được giao tiếp với người nước ngoài nên kỹ năng nghe, nói hạn chế. Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Cúc (Trường THPT Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội), giáo viên tiếng Anh rất thiếu tư liệu hỗ trợ giảng dạy, nhất là khi triển khai dạy theo chương trình mới và học sinh cần được quan tâm rèn đủ 4 kỹ năng là nghe, nói, đọc, viết. Đây là một thách thức lớn đối với giáo viên các trường ở khu vực khó khăn.
Giải bài toán về đội ngũ giáo viên
Một giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Phú La (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng xác nhận, việc triển khai dạy, học ngoại ngữ còn lúng túng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, chất lượng đội ngũ giáo viên là rào cản lớn nhất. Để đạt mục tiêu của đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường tiểu học phải nâng thời lượng dạy tiếng Anh lên 4 tiết/tuần, nhưng do không đủ giáo viên nên các đơn vị chỉ triển khai dạy 2 tiết/tuần; tuy vậy, tỷ lệ học sinh học đủ thời lượng 2 tiết/tuần chỉ đạt 47%. Tính đến cuối năm học 2015-2016, chỉ riêng ở cấp tiểu học, cả nước còn thiếu 7.700 giáo viên tiếng Anh. Không chỉ thiếu về số lượng, trình độ giáo viên cũng là điều đáng lo khi cả nước mới có hơn 30% giáo viên phổ thông đạt chuẩn.
Số liệu nói trên cho thấy, việc giải bài toán về số lượng, trình độ giáo viên tiếng Anh đang là yêu cầu cấp bách. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận khâu chuẩn bị về giáo viên chưa chu đáo nên hiệu quả thực hiện đề án chưa được như mong muốn. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ xác định việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên là ưu tiên hàng đầu để cải thiện chất lượng dạy, học tiếng Anh. Theo kế hoạch, ngay trong năm học 2017-2018, Bộ tiến hành rà soát, điều chỉnh mức độ yêu cầu về trình độ của giáo viên cho phù hợp với thực tế. Ví dụ như cùng là giáo viên tiếng Anh cấp THCS nhưng mức độ yêu cầu đối với người dạy ở khu vực nông thôn khác với thành thị.
Hà Nội thuận lợi hơn so với các địa phương khác khi hiện có khoảng 80% số trường tiểu học đủ giáo viên để thực hiện dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ của Hà Nội là 70%, gấp đôi so với mức trung bình của cả nước, nhưng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi vẫn phải tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ này. Theo kế hoạch, ngoài việc bổ sung đội ngũ, Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá chuẩn giáo viên tiếng Anh; tập trung bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho giáo viên ở cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), trong đó kỹ năng nghe và nói được bồi dưỡng chuyên sâu để khắc phục điểm yếu của hầu hết học sinh hiện nay.
Việc đánh giá chất lượng giáo viên được đổi mới theo hướng dựa trên chất lượng học tập của học sinh chứ không chỉ là hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ. Đây cũng sẽ là căn cứ để cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của việc dạy, học ngoại ngữ trong giai đoạn mới. Từ đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, hầu hết các trường tiểu học, THCS và THPT dạy học theo chương trình tiếng Anh 10 năm, trong đó 100% số học sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 học chương trình này.
Năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung rà soát, sửa đổi Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” để trình Chính phủ ban hành Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” nhằm cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.