Thấy người đi đường thủng săm vào ban đêm không có chỗ vá, anh Tuấn sắm đồ làm miễn phí đến 23h mới nghỉ.
Tối cuối năm Đinh Dậu, anh Trần Huỳnh Tuấn (30 tuổi, phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho đồ nghề vào cốp, bắt đầu công việc vá xe miễn phí trong nội thị Tam Kỳ. Dáng hao gầy, khuôn mặt ít khi cười, Tuấn đeo tai phone kết nối với điện thoại để tiện vừa chạy xe, vừa nghe người bị thủng săm gọi.
Nhận điện thoại thông báo có xe bị thủng săm ở cầu Kỳ Phú 2, sau 10 phút Tuấn có mặt. Và chỉ mất 10 phút, anh đã vá xong chiếc săm. “Lần sau gọi anh nhé, có số anh rồi nếu gặp ai đi đường bị hỏng xe thì thông báo”, Tuấn dặn chủ xe.
Anh Trần Tấn Đạt, xã Tam Phú (TP Tam Kỳ), người bị thủng săm cho hay, đã dắt bộ tìm tiệm sửa xe nhiều chỗ nhưng đều đóng cửa. Đạt hỏi người dân ven đường thì họ cho số điện thoại của Tuấn.
“Trước đây, tôi từng thủng săm nhưng phải đẩy về nhà, chứ ban đêm ở Tam Kỳ không có chỗ vá. Từ ngày có số của anh Tuấn, đêm tối xe hư hỏng tôi gọi thì được anh giúp đỡ miễn phí nên rất an tâm. Chúng tôi không mất nhiều công sức đẩy xe về nhà nữa”, anh Đạt chia sẻ.
Vá xong xe của anh Đạt, Tuấn nhận điện thoại có người thủng săm đang đứng ở vòng xoay Hùng Vương - Tôn Đức Thắng. Người này đẩy xe đi tìm tiệm vá nhiều nơi nhưng không có, một chủ quán cà phê biết số của Tuấn qua tờ rơi đã cho để gọi.
“Ban đầu tôi không tin có người vá xe miễn phí, cứ nghĩ chủ quán cà phê nói đùa. Nhưng khi gọi thì anh này nghe máy và hỏi chỗ, sau 5 phút anh có mặt giúp đỡ”, anh Nguyễn Văn Trung, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ nói.
Anh Trần Huỳnh Tuấn vá xe miễn phí trong đêm cho người đi đường. Ảnh: Đắc Thành. |
Chiếc xe thứ hai được vá xong, không thấy ai gọi, Tuấn chạy xe máy qua nhiều phố tìm. Đến đường Huỳnh Thúc Kháng, thấy một phụ nữ bị hết xăng, anh chạy đến ngã tư Tôn Đức Thăng - Phan Chu Trinh mua xăng đưa đến cho người này.
Sau 22h, các cây xăng nội thị Tam Kỳ đóng cửa, chỉ còn bán xăng lẻ. Mua lít xăng giá 25.000 đồng, Tuấn lấy đúng số tiền đó. Xe nào săm không thể vá, Tuấn thay mới lấy giá 30.000 đồng một cái (giá bán ở tiệm sửa xe trên 70.000 đồng). Xe hư nhẹ có thể sửa tại chỗ thì anh làm, còn nặng Tuấn hộ tống đưa về nhà. Công việc liên tục đến 23h anh mới nghỉ.
Sinh ra trong gia đình nông dân có hai anh em, học hết cấp 2 Tuấn vào TP HCM học nghề sửa chữa xe máy. Sau nhiều năm học hỏi, anh về quê mở tiệm tại gia đình trong khu phố nhỏ ở ngoại ô. Nơi đó ít phương tiện qua lại, nhưng nhiều người biết tiếng của anh đưa xe đến sửa, có ngày xe để kín tiệm.
Cách đây hơn 3 tháng, Tuấn bén duyên với việc vá xe miễn phí. Hôm đó khoảng 21h, anh đi trên đường gặp năm chiếc xe máy dính phải đinh thủng săm. Những người này dắt bộ quãng đường dài nhưng không có tiệm vá.
Làm nghề sửa xe nhiều năm, Tuấn biết gần đó có tiệm đang mở cửa. Anh chỉ cho họ đẩy xe đến vá, tuy nhiên chủ tiệm bảo nghỉ rồi, nhất quyết không làm. Tuấn nói không vá cho họ thì cho anh mượn đồ để làm và giải thích thêm “để người ta dắt bộ về tội lắm”.
Thấy chủ tiệm khó chịu, Tuấn phải năn nỉ cho mượn đồ nghề vá xe. Sau bữa đó, anh lên ý tưởng vá xe miễn phí. Để mọi người biết đến việc mình làm, anh in khoảng 500 tờ rơi ghi số điện thoại và nhờ bạn bè đi dán nhiều nơi, đồng thời đưa lên Facebook cá nhân.
Đêm nhiều Tuấn vá 12 chiếc, đêm ít 2 chiếc. Số tiền mua miếng vá, keo anh lấy từ việc sửa chữa xe. Anh kể, không phải người nào cũng sẵn sàng nhận sự giúp đỡ. Có hôm anh thấy hai mẹ bị con thủng săm dắt bộ trên đường nên dừng lại giúp đỡ, nhưng họ lắc đầu.
“Họ nghi ngờ tôi cướp giật tài sản, chứ không phải vá xe miễn phí. Tôi thuyết phục nhiều cách nhưng họ không tin”, Tuấn kể. Anh phải bảo họ mở Facebook ra để xem. Sau khi xem thông báo vá xe miễn phí của Tuấn cùng nhiều bình luận cảm ơn, hai mẹ con mới đồng ý cho Tuấn giúp đỡ.
“Hiện nhiều người biết việc tôi làm nên có lúc nhận nhiều cuộc điện thoại và không đến kịp. Tôi buộc họ chờ đợi lâu và cảm thấy có lỗi”, anh chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Mùi, mẹ của Tuấn chia sẻ, ban đầu thấy con một mình đi về trong đêm khuya bà rất lo sợ, khuyên con ngừng công việc này. Sau nhiều ngày thấy con đi làm về bình an, bà vơi bớt phần nào.
“Chỉ mong con mạnh khỏe, thời tiết về đêm ít mưa để nó giúp đỡ được nhiều người hơn. Kinh phí mua miếng vá, keo… lấy từ việc sửa chữa xe máy, không xin gia đình hay bất cứ ai”, bà Mùi nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.