Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm mới vòng quanh thế giới

Thịnh Quang| 19/01/2023 11:45

(HNMCT) - Con người trên trái đất có thể khác nhau về tiếng nói, màu da, quốc tịch... nhưng vẫn có những điểm chung, chẳng hạn như niềm mong ước vào một năm mới tốt đẹp. Niềm mong mỏi đó được các nền văn hóa khác nhau thể hiện theo nhiều cách khác nhau.

Lễ đốt bù nhìn año viejo của người Ecuador.

Ecuador

Đến Ecuador vào dịp đón năm mới, không thể bỏ qua año viejo - nghi lễ đốt bù nhìn truyền thống. “Año viejo” trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “năm cũ”. Người dân Ecuador sẽ làm hoặc mua những con bù nhìn bằng giấy rồi mặc quần áo cũ của mình cho chúng.  Vào thời khắc bước sang năm mới, họ đem bù nhìn ra đường đốt để xua đi mọi xui xẻo của năm cũ. Những năm gần đây, mẫu mã bù nhìn ngày càng đa dạng, từ những nhân vật hoạt hình đến chính khách. Người làm còn nhồi pháo hoa vào bù nhìn để lúc đốt thêm phần rộn ràng.

Những ngày đầu năm mới, đường phố Ecuador chật ních người xem rối do các làng xã tự làm và trưng bày. Con rối trong tiếng Tây Ban Nha gọi là “monigotes”, và người Ecuador muốn gửi gắm nhiều thông điệp qua những monigotes. Đó có thể là lời châm biếm những vụ scandal chính trị hay chỉ đơn giản là đem lại tiếng cười cho mọi người. Nhân dịp này, người ta còn làm cả những chiếc mặt nạ hình thù ngộ nghĩnh để đem bán. Nhiều làng xã tổ chức thi xem ai làm ra monigotes và mặt nạ đẹp nhất. Số tiền thu được từ người tham gia sau khi thưởng cho người thắng cuộc sẽ được dùng để tổ chức một bữa tiệc cho cả làng.

Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Reykjavik, Iceland.

Iceland

Người Iceland thường ngày có phần kín đáo nhưng cứ đến đêm giao thừa lại vui chơi hết mình. Họ đổ đến thủ đô Reykjavik để chứng kiến màn pháo hoa mừng năm mới. Ánh sáng rực rỡ của hàng nghìn quả pháo hoa hòa cùng “dải lụa” cực quang huyền ảo tạo nên cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Theo nhà văn Iceland Halldór Laxness (giải Nobel 1955), những người đồng bào của ông nhìn thấy thứ ánh sáng ngắn ngủi của con người đặt cạnh thứ ánh sáng trường tồn của thiên nhiên không khỏi xúc động và ngậm ngùi. 

Trước và sau lễ bắn pháo hoa, người Iceland mở tiệc ngay trên đường phố. Họ chuẩn bị sẵn củi và than để đốt lửa trại rồi quây quần ăn uống, ca hát nhảy múa. Những lúc ấy, các vị khách lạ cũng như người thân trong gia đình. Người Iceland thường đùa rằng, sẽ tiệc tùng đến tận lúc bình minh, bởi vì năm mới rơi vào khoảng thời gian mặt trời không mọc và đêm có thể kéo dài hơn 24 giờ.

Những trận đấu Takanakuy luôn thu hút đông đảo người xem.

Peru

Đầu năm mới, không hiếm quốc gia tổ chức thi đấu võ, vật nhưng chỉ ở Peru người ta lại đánh nhau thật sự. Cứ vào ngày 25-2 hằng năm, dân làng trên dãy núi Andes tại tỉnh Chumbivilcas, miền nam Peru, lại khai mở võ đài cho mọi người tự do đánh nhau. Người dân địa phương quan niệm rằng, khi mâu thuẫn giữa anh em, bạn bè hay hàng xóm không thể hòa giải bằng lời nói, mỗi người sẽ chờ đến cuối năm rồi đánh nhau để xả hết. Sự kiện này được gọi là “Takanakuy” và nằm trong số những lễ hội lớn nhất của người da đỏ bản địa ở Peru.

"Võ trường" được đặt ở một khoảng đất rộng để khán giả tiện theo dõi. Trước mỗi trận đánh, cả người thi đấu lẫn khán giả đều ca hát, nhảy múa và uống thật nhiều rượu. Họ mặc cho các võ sĩ những bộ quần áo truyền thống sặc sỡ của kỵ sĩ, cao bồi ngày xưa. Trận đấu kéo dài cho đến khi một người bỏ cuộc hoặc các già làng quyết định dừng trận đấu. Ngoài việc bị cấm sử dụng vũ khí và không được nhảy lên người đối thủ, các đấu sĩ có quyền làm mọi thứ để khuất phục đối thủ. Ai cũng hiểu rằng mọi thù hằn sẽ được xóa sạch trong ngày này, vậy nên mới có lệ mở đầu và kết thúc mỗi trận đấu, hai võ sĩ sẽ ôm lấy nhau. Chưa từng có ai bị tàn tật hay tử vong vì tham gia Takanakuy cả.

Takanakuy và nhiều tục lệ, lễ hội khác của người Peru có nguồn gốc từ nền văn hóa cổ xưa của các tộc người da đỏ bản địa. Vào đêm giao thừa, các gia đình thường để ba củ khoai tây dưới chân ghế, một củ chưa gọt vỏ, một củ đã gọt và một củ mới gọt được một nửa. Vào thời khắc chuyển giao năm mới, người chủ gia đình sẽ nhắm mắt bốc một củ khoai. Nếu nhặt được củ chưa gọt vỏ, năm mới gia đình sẽ thịnh vượng. Nhặt được củ gọt một nửa là có cả may và rủi. Còn nhặt được củ đã gọt thì làm ăn chỉ thua lỗ. Để phòng ngừa vận đen trong năm mới, người Peru nhét đầy túi quần áo những hạt lúa mỳ, đậu lăng và que cam thảo; đặc biệt là tục ăn 12 quả nho lúc giao thừa. Trước khi ăn mỗi quả, họ phải nói to một điều ước của mình.

Vai trò của các bà thầy cúng ở Peru được nâng lên rất nhiều trong những ngày đầu năm mới. Họ đun nước baño de flores - nước tắm hoa (được đun từ nước tuyết tan và cánh hoa) cho khách thập phương đến xin giải hạn. Mỗi loại hoa khác nhau tượng trưng cho một niềm mong ước của người khách. Kết thúc buổi lễ, các bà ngậm nước hoa cúc phun khắp người khách để đuổi hết tà ma năm cũ.

Một đám rước năm mới ở Romania.

Romania

Vốn là nước nông nghiệp, các nghi thức đón năm mới tại Romania đều cầu mùa vụ bội thu. Các gia đình Romania luôn trữ củ hành, quả táo trong nhà để vào đêm giao thừa bổ ra xem ruột. Nếu lõi táo hình chữ thập, gia đình sẽ gặp nhiều điều không may. Nếu là hình ngôi sao, may mắn sẽ tràn vào nhà. Còn củ hành được người Romania bổ ra làm 12 múi đều nhau, sau đó rải muối lên trên. Sáng mùng một tỉnh dậy, căn cứ vào độ ướt của muối nhiều hay ít là đoán được lượng mưa trong năm. Đây thực chất là cách dựa vào đặc tính của củ hành mà tìm ra độ ẩm trong nước và không khí, từ đó dự đoán thời tiết. Người Romania xưa đã nghĩ ra mẹo này rồi biến thành một tục lệ truyền thống.

Người Romania  thường dành ngày đầu tiên của năm mới để ăn mừng lễ Sfantul Vasile - lễ tưởng niệm thánh Vasile, vị thánh phù hộ cho người nghèo và xua đuổi quỷ dữ. Buổi sáng, trẻ con sẽ tổ chức đám rước, hát bài hát truyền thống "Scorcova". Lũ trẻ đến từng nhà rồi đánh nhẹ vào người các thành viên trong gia đình bằng một cành cây có hoa để chúc may mắn. Buổi tối là đám rước của thanh niên độc thân hay mới lấy vợ. Một số người hóa trang thành bò đực, những người khác đứng cạnh cầm roi và hát bài "Plugusor" miêu tả lại cuộc sống thường ngày của người nông dân Romania. Khi đoàn rước ghé đến nhà ai, chủ nhà sẽ cầm cuốc, xẻng rồi giả vờ làm việc ba lần để cầu may.

Ở Romania thời xưa có hẳn một nghề gọi là “ursarii” - chuyên huấn luyện các loài thú diễn xiếc. Ngày nay không còn nhiều ursarii nữa, nhưng người Romania lại hóa trang thành gấu, bò và dê để nhảy múa vào dịp năm mới. Điều quan trọng nhất trong bộ trang phục của họ là chiếc mặt nạ, vì họ cho rằng mặt nạ mang linh hồn của con vật. Trong năm mới, những “con vật” nhảy múa cùng các nhân vật hư cấu khác như vua chúa, quỷ, thiên thần... để tạo nên đám rước. Nếu bạn thấy hai người ăn mặc kiểu gypsy đi xin tiền người xem đám rước thì cũng đừng ngại rút ví vì họ đang đóng giả các ursarii xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm mới vòng quanh thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.