(HNM) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, với lý do Nga đã vi phạm hiệp ước này khi hạn chế máy bay trinh sát của Mỹ di chuyển qua khu vực Baltic. Động thái trên được giới phân tích đánh giá là thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự ổn định trong vấn đề an ninh của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.
Hiệp ước Bầu trời mở (OST) được 34 quốc gia ký năm 1992, cho phép các thành viên gồm Mỹ, Nga và hầu hết các quốc gia châu Âu triển khai trinh sát cơ, bay theo lộ trình được thống nhất trên lãnh thổ của nhau. Các chuyến bay nhằm mục đích giám sát hoạt động quân sự và xác minh việc tuân thủ các hiệp ước khác.
Việc Washington rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở được cho là do Nga vi phạm các cam kết trong việc hạn chế trinh sát cơ của Mỹ bay qua lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad ở khu vực Baltic. Tổng thống Donald Trump hy vọng việc Washington rút khỏi OST sẽ buộc Mátxcơva phải quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko phủ nhận Nga vi phạm OST và tuyên bố việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên, trong đó có đồng minh của Mỹ và các thành viên NATO. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ về OST dựa trên nguyên tắc bình đẳng để cứu vãn hiệp ước này.
Bất chấp tranh cãi giữa Nga và Mỹ, các đồng minh của Washington, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn luôn ủng hộ mạnh mẽ OST. Tuy không đồng tình với việc Nga đưa ra những giới hạn liên quan tới OST, nhưng họ cũng lo ngại về quyết định của Mỹ. Trong tuyên bố chung, Italia cùng các nước EU trong khối NATO bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi OST của Mỹ và khẳng định hiệp ước vẫn có hiệu lực. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Mỹ cân nhắc lại quyết định, nhấn mạnh hiệp ước này đóng góp cho an ninh và hòa bình tại hầu hết các nước ở Bắc bán cầu.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephan Dujaric cho rằng, việc Mỹ rút khỏi OST còn có nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trong tương lai với “những hậu quả khó kiểm soát”. Nhận định này được đưa ra dựa trên những phân tích cho thấy nếu OST không còn tính ràng buộc sẽ tạo thêm “lỗ hổng” trong cơ chế giám sát quân sự giữa Mỹ và Nga. Đặc biệt nguy hiểm hơn khi cả hai nước vừa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và chưa có quan điểm dứt khoát về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START), vốn sắp hết hiệu lực vào năm 2021.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ rút hẳn khỏi OST được xem là “con dao hai lưỡi”, bởi động thái này sẽ đặt Washington trước nguy cơ suy giảm sức ảnh hưởng trên thế giới, khi để lại “khoảng mù” trên bầu trời châu Âu. Các Nghị sĩ đảng Dân chủ ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ từng viết thư cho Tổng thống Donald Trump cảnh báo việc rút khỏi OST sẽ làm suy yếu liên minh với các đồng minh châu Âu, vốn dựa vào hiệp ước để buộc Nga chịu trách nhiệm cho hoạt động quân sự trong khu vực. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel nhấn mạnh, những chuyến bay giám sát được tiến hành theo hiệp ước trên là cần thiết để tăng cường Hiệp ước START mới và các biện pháp kiểm soát vũ trang khác. Một số nhà ngoại giao nhận định, Mỹ sẽ không ngần ngại nếu phải rút khỏi OST, nhưng cũng sẽ cứu vãn hiệp ước nếu có được sự nhượng bộ của Nga.
Việc Mỹ rút khỏi OST không chỉ khiến mối quan hệ Nga - Mỹ bị đẩy lên một cao trào mới mà còn gây ra những xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Điều này cũng đặt ra những thách thức về an ninh khu vực một khi hiệp ước bị phá vỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.