Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ nỗ lực đối phó với làn sóng di cư trái phép: Giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân

Kim Phượng| 11/06/2021 06:53

(HNM) - Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đã tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ ngoại giao với Guatemala và Mexico. Đây là hai quốc gia Mỹ Latinh đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm đối phó với làn sóng người di cư bất hợp pháp đang ồ ạt kéo tới biên giới phía Nam nước Mỹ. Động thái này cho thấy Mỹ đang tìm cách giải quyết những nguyên nhân gốc rễ trong vấn đề người nhập cư trái phép.

Lượng người di cư trái phép từ các nước khu vực Trung Mỹ tới Mỹ tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) công bố báo cáo tháng 5-2021 cho thấy, số người di cư bị bắt giữ tại biên giới Mỹ - Mexico trong tháng 4 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua. Cụ thể, 178.622 người di cư không có giấy tờ hợp lệ bị bắt giữ tại biên giới 2 nước, tăng 5.000 người so với tháng trước đó, tăng gấp 5 lần so với tháng 4-2020 - thời điểm mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump siết chặt các quy định hạn chế người nhập cư. Trong số này, có tới 80% đến từ Mexico, Guatemala, Honduras, El Salvador, đa số muốn tìm cách tới Mỹ để thoát khỏi tình trạng nghèo đói và bạo lực.

Đối với vấn đề nhập cư đang nóng lên ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden lựa chọn hướng đi khác hoàn toàn so với đường lối cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump. Với việc triển khai chính sách được nhận định là "mềm mỏng hơn", ông J.Biden đã mở ra một cánh cửa để nối lại các dự án hợp tác khác nhau giữa Mỹ và Mexico vì lợi ích của các nước láng giềng khu vực Trung Mỹ, đặc biệt là các quốc gia thuộc Tam giác phía Bắc, gồm El Salvador, Guatemala và Honduras. Thông qua kết nối này, chính quyền của ông J.Biden đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực an ninh và phát triển kinh tế - xã hội nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người nhập cư trái phép.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống J.Biden đã giao nhiệm vụ cho Phó Tổng thống Kamala Harris tìm cách đàm phán với lãnh đạo các nước nói trên để làm chậm lại làn sóng người di cư đổ về Mỹ. Và chuyến công du của Phó Tổng thống K.Harris tới Guatemala và Mexico trong hai ngày (7 và 8-6) được đánh giá là chuyển động đầu tiên trong chiến lược này.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Mexico, bà K.Harris cam kết với những người dân nghèo ở khu vực Mỹ Latinh rằng, Mỹ có “khả năng mang lại cảm giác hy vọng” để người dân có cuộc sống tốt hơn ngay tại quê nhà mà không cần phải trốn chạy. Để cụ thể hóa những cam kết này, Phó Tổng thống Mỹ K.Harris, đại diện Bộ Ngoại giao Mexico và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc tế để thúc đẩy phúc lợi xã hội ở các quốc gia Trung Mỹ.

Còn tại Guatemala, bà K.Harris đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm di cư mới để người dân nước này có thể xin tị nạn ngay tại nước mình, thay vì phải vượt hàng nghìn cây số để đến biên giới Mỹ - Mexico. Mỹ cũng sẽ đầu tư 48 triệu USD vào các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhà ở, nông nghiệp, tăng cường trao quyền cho phụ nữ… tại Guatemala.

Một nội dung quan trọng trong chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống J.Biden đối với Trung Mỹ là gói đầu tư trị giá 4 tỷ USD với hy vọng từng bước giải quyết tình trạng nghèo đói, bạo lực, ô nhiễm môi trường và thất nghiệp ở khu vực này, từ đó khuyến khích người dân ở lại quê hương của họ. Đây là mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống J.Biden khi hướng tới việc giải quyết tận gốc rễ của vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Nỗ lực này có thể sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập niên mới có thể trở thành hiện thực.

Các nhà phân tích nhận định, với chính sách mang tính nhân văn của ông chủ Nhà Trắng, tình trạng người di cư bất hợp pháp tới Mỹ sẽ sớm được giải quyết một cách hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ nỗ lực đối phó với làn sóng di cư trái phép: Giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.