(HNM) - Mới đây, 6 bồn chứa ngầm tại kho bảo quản hạt nhân Hanford, nằm dọc sông Columbia, tại bang Washington (Mỹ) được phát hiện có dấu hiệu rò rỉ và chất thải hạt nhân có thể đã lan xuống dòng nước của sông Columbia.
Hiện chưa có báo cáo chính thức về mối nguy hại với sức khỏe con người, nhưng tin tức về vụ rò rỉ đã gây chấn động cả nước Mỹ và đặt ra câu hỏi nghiêm túc về sự an toàn của tất cả 177 bồn chứa chất thải lỏng có phóng xạ tại cảng Hanford.
Vụ rò rỉ chất thải đang làm người dân bang Washington lo lắng, bởi tình trạng đất nhiễm phóng xạ do hiện tượng rò rỉ từ Hanford, từng xảy ra trong quá khứ. Người dân còn lo ngại chất thải hạt nhân dạng lỏng có thể đã ngấm từ đất xuống nước sông Columbia và có thể gây nguy hại tới sức khỏe con người. Bà Suzanne Dahl, chuyên gia hạt nhân của Cơ quan sinh thái Mỹ cho biết: "Khi chất thải còn nằm yên trong bồn thì mọi việc còn quản lý được. Một khi các chất này tràn ra ngoài và thấm vào đất, việc xử lý sẽ khó khăn hơn rất nhiều, và các chất này sẽ làm tăng thêm mức ô nhiễm trong nguồn nước ngầm". Phát biểu trước công chúng, nhằm trấn an dư luận, trước tin rò rỉ chất thải phóng xạ gần sông Columbia có thể gây chết người, Thống đốc Jay Inslee bang Washington khẳng định: "Không có đe dọa trực tiếp hay trong tương lai gần nào đối với sức khỏe con người, liên quan tới những phát hiện rò rỉ mới được báo cáo. Địa điểm rò rỉ được phát hiện nằm cách bờ sông Columbia 8km. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định đây là một tin xấu với người dân Washington. Sự kiện này chắc chắn làm dấy lên những câu hỏi về mức độ an toàn với các container chứa chất lỏng và chất thải phóng xạ tại Hanford".
Tổ hợp sản xuất hạt nhân được biết đến với cái tên Hanfod Site này được khánh thành và đưa vào hoạt động năm 1943. Cơ sở này rộng hơn 1.500 km2, là một phần của dự án Manhattan, nơi Chính phủ Mỹ phát triển quả bom hạt nhân đầu tiên. Hai quả bom được thả xuống nước Nhật năm 1945 được sản xuất tại đây. Trong thời chiến tranh lạnh, công suất của khu chế tạo đã gia tăng nhưng vào năm 1987, lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của nơi này đã đóng cửa và trở thành bãi chứa ngầm chất thải hạt nhân lớn nhất Mỹ với 53 triệu gallon (khoảng 200 triệu lít) chất thải phóng xạ. Năm 1989, một chương trình dọn dẹp chất thải phóng xạ đã được phát động ở Hanford. Đến năm 2005, một lượng lớn nước bùn nhiễm phóng xạ đã được bơm ra khỏi bồn chứa cũ chỉ có 1 vách ngăn, và bơm vào các bồn mới, vững chắc hơn với 2 vách ngăn. Nhưng, vẫn còn nhiều nước bùn trong các bồn cũ và các chất này đã thấm xuống đất. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ ước tính, có khoảng 450 tỷ gallon nước nhiễm phóng xạ từng được thải vào trong đất của khu vực. Chính phủ Mỹ đã đề ra một kế hoạch tu sửa trị giá nhiều tỷ USD, theo đó chất thải trong các bồn chứa sẽ dần dần được xử lý trong một nhà máy đặc biệt, và cuối cùng được đặt vào các bồn chứa bằng thép không gỉ dưới lòng đất. Tuy nhiên, kế hoạch này còn mất nhiều năm mới hoàn thành và thực sự đi vào hoạt động.
Từ thảm họa bùn đỏ ở Hungary đến rò rỉ chất thải hạt nhân ở bang Washington cho thấy còn nhiều bất cập trong xử lý rác thải nguy hiểm bảo vệ môi sinh ở ngay tại các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.