Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ, Canada và EU: Hồi kết “cuộc chiến thịt bò”

Kim Phượng| 17/03/2012 05:08

(HNM) - Trong tuần, Nghị viện Châu Âu (EP) đã thông qua thỏa thuận giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Mỹ và Canada về thịt bò có chứa hormone tăng trưởng, chấm dứt một trong những cuộc tranh chấp thương mại

Trước đó, phát biểu trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu hồi đầu tuần, Ủy viên nông nghiệp EU, ông Dacian Ciolos bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ mang lại giải pháp dứt khoát cho cuộc tranh chấp thương mại thịt bò chứa hormone tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ông Dacian Ciolos cũng lưu ý sự kiện Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi đầu tháng 3 công bố dự thảo về dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của EU được áp đặt từ năm 1997 sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng bò điên đã góp phần thúc đẩy sự thống nhất trong thỏa thuận giữa các thành viên EU; đồng thời bày tỏ hy vọng dự thảo này của Mỹ sẽ được hoàn tất "kịp thời".

Lượng thịt bò không chứa hormone nhập vào EU năm 2012 dự kiến sẽ tăng lên hơn 48.000 tấn.


Vụ tranh chấp thương mại giữa EU với Mỹ và Canada bắt đầu từ năm 1988 khi EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt của những con bò được nuôi bằng hormone kích thích tăng trưởng từ Mỹ và Canada, do lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Những năm 70 thế kỷ trước, rất nhiều thanh niên Pháp và Italia mắc chứng rối loạn hormone. Có ý kiến chuyên môn cho rằng, nguyên nhân là do một loại hormone có tên DES được sử dụng tại các trang trại chăn nuôi bò ở Mỹ cùng hàm lượng hormone có trong thịt bò cao quá mức cho phép thâm nhập vào cơ thể người đã gây nên căn bệnh nêu trên. Người tiêu dùng Châu Âu đã thành lập các tổ chức liên hiệp tẩy chay loại thịt bò này. Ngày 20-9-1980, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ra quy định hạn chế sử dụng hormone cho động vật. Trong khi đó, Mỹ cho rằng các hormone này từ lâu đã được coi là an toàn tại Mỹ và các nước khác, tuyên bố lệnh cấm của EU được đưa ra không dựa trên bất cứ bằng chứng khoa học tin cậy nào. Và đương nhiên lệnh cấm đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của Mỹ và Canada; châm ngòi cho cuộc chiến kiện cáo kéo dài suốt 24 năm.

Năm 1998, WTO đã ra phán quyết rằng EU vi phạm luật lệ buôn bán khi cấm nhập thịt bò có sử dụng hormone tăng trưởng, do vậy WTO cho phép Mỹ và Canada áp dụng các biện pháp trừng phạt buôn bán với EU. Ngay sau đó Mỹ và Canada đã áp đặt đánh thuế bổ sung giá trị 125 triệu USD/năm, với các sản phẩm của Châu Âu, từ pho mát Roquefort cho tới mù tạt. Trước áp lực nặng nề, năm 2003, EU ban bố lệnh cấm hormone mới (2003/74/EC) và khẳng định, với lệnh cấm này EU đã tuân thủ hoàn toàn phán quyết; đồng thời yêu cầu Mỹ và Canada hủy bỏ các biện pháp trả đũa. Nhưng, Mỹ cho rằng, lệnh cấm mới này chỉ là trò "bình mới rượu cũ", EU vẫn giữ nguyên lệnh cấm các trang trại chăn nuôi sử dụng hormone. Mỹ còn nhấn mạnh, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sử dụng hormone cho động vật nuôi không hề gây hại đến sức khỏe của con người. Tiếp đó, ba bên đã tiến hành ngoại giao hòa giải bí mật, nhưng hiệu quả không đáng kể. Năm 2009, EU và Washington đã nhất trí rằng 27 nước thành viên EU vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu thịt bò có chứa hormone tăng trưởng; nhưng, Mỹ sẽ dần dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Đổi lại, EU sẽ tăng mạnh hạn ngạch nhập khẩu thịt bò không chứa hormone tăng trưởng được miễn thuế. Lượng thịt bò không chứa hormone nhập khẩu vào EU (được miễn thuế) được ấn định ở mức 20.000 tấn năm 2009 và dự kiến sẽ tăng lên 48.200 tấn vào tháng 8-2012; trong đó, 45.000 tấn là thịt bò nhập khẩu của Mỹ và 3.200 tấn thịt bò của Canada. Đến tháng 5-2011, Mỹ đã dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với toàn bộ thực phẩm cao cấp từ Châu Âu.

Trong tuyên bố ra ngày 14-3, Nghị viện Châu Âu cho biết những nước được lợi chủ yếu từ sự kiện Mỹ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại là Italia, Ba Lan, Hy Lạp, Ireland, Đức, Đan Mạch, Pháp và Tây Ban Nha. Tuyên bố này được cho là hồi kết cuộc tranh chấp thương mại dai dẳng kéo dài 24 năm giữa các thành viên chủ chốt của WTO.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ, Canada và EU: Hồi kết “cuộc chiến thịt bò”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.