(HNM) - Khi cuộc tranh cãi xung quanh việc có nên cấp phép cho hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A giữa lòng Vườn quốc gia Nam Cát Tiên vừa có hồi kết, theo đó Chính phủ đã loại hai dự án thủy điện trên vì lý do hàng đầu là chúng xâm phạm lõi rừng quốc gia, báo chí lại rộ lên thông tin nhiều dự án thủy điện nhỏ nằm lọt giữa các vườn quốc gia khác đang ráo riết xin phép xây dựng.
Phần lớn trong số đó là những dự án có công suất rất nhỏ và nhỏ, chỉ từ 5 đến dưới 30 MW, do địa phương cấp phép, không có nhiều nước, giá thành điện cao, điện làm ra không ai mua hoặc mua dưới giá thành. Trước thông tin trên, dư luận đã đặt câu hỏi, trong khi chủ đầu tư của các dự án thủy điện nhỏ và vừa đang "bỏ của chạy lấy người" thì không hiểu vì lẽ gì người ta lại đua nhau xin phép làm thủy điện ở các vườn quốc gia?
Thực tế cho thấy, hiếm có nước nào trên thế giới có tình trạng "loạn thủy điện" như nước ta. Đã đành rằng Việt Nam giàu tiềm năng thủy điện, thế nhưng làm thủy điện mà không cân nhắc kỹ lợi hại, làm thủy điện bằng mọi giá như thời gian vừa qua thì thật tai hại. Theo Bộ NN&PTNT, để làm 160 dự án thủy điện, chúng ta mất 20.000ha rừng, trung bình mỗi dự án "ngốn" 125ha. Một thống kê khác, cứ 1 MW điện sẽ mất 10ha rừng, chưa kể những thiệt hại khác như phá rừng để lấy đất phục vụ tái định cư, làm nương rẫy mới, lâm sản bị tận thu kiểu "ăn theo", tình trạng biến đổi dòng chảy, lúc thiếu lúc thừa nước, lũ lụt đe dọa, môi trường bị tàn phá, động thực vật hoang dã bị tận diệt… Việc Bộ Công thương vừa đề nghị Chính phủ loại bỏ 424 dự án, tạm dừng 136 dự án và không đưa vào quy hoạch tiềm năng thủy điện 172 vị trí chính vì lẽ đó. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm xương máu trong việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, Nhà máy Thủy điện Krong Kma, khiến cho diện tích rừng bị mất khá lớn, chưa kể nhiều hệ lụy khác như mất đất, tranh chấp nước giữa thủy lợi và thủy điện…
Không khó để nhận thấy việc xin cấp phép xây dựng những nhà máy thủy điện nhỏ thực chất chỉ là mượn cớ làm thủy điện để hợp thức hóa việc phá rừng. Vườn quốc gia phần nhiều là những rừng nguyên sinh, tài nguyên rừng (gỗ, lâm sản, động thực vật hoang dã mang nguồn gen quý hiếm…) vẫn tương đối dồi dào, phong phú. Trong lúc việc khai thác rừng bên ngoài thời gian gần đây bị cấm đoán gắt gao, hơn nữa rừng cũng đã gần như cạn kiệt thì các chủ đầu tư chuyển hướng, nhắm tới các vườn quốc gia. Nếu như được cấp phép suôn sẻ, họ chỉ cần khai thác lâm sản dưới dạng tận thu đã có lãi, lợi ích từ làm thủy điện chỉ là chuyện nhỏ, có thể "bán cái", thậm chí bỏ dở cũng không sao.
Mùa mưa ở phía Bắc vừa dứt thì mùa bão lũ ở miền Trung bắt đầu. Đáng nói là gần đây mỗi khi mưa bão thường kèm theo lở đất và lũ quét. Nguyên nhân quan trọng nhất của hiện tượng này, không gì khác là do rừng đã bị tàn phá, tận diệt. Bởi vậy, thông tin UBND tỉnh Đăk Lăk mới đây đã từ chối cấp phép dự án thủy điện Ea Tour và Giám đốc Vườn quốc gia Yook Đôn vừa tuyên bố sẽ từ chức nếu dự án thủy điện Đrăng Phook được duyệt đã được dư luận đồng tình, ủng hộ. Rõ ràng, nếu chúng ta lơ là, thiếu quyết liệt, để những kẻ hám lợi tàn phá rừng quốc gia thì những thảm họa lũ quét, lở đất như ở Bản Khoang (Lào Cai) mới đây có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.