Góc nhìn

“Mũi tên” hướng nhiều đích

Hà Trang 05/07/2023 - 06:16

An toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, không những liên quan trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe người sử dụng, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội…

Thời gian qua, tuy các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhìn chung công tác kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn những hạn chế. Công tác quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường internet, thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc truy xuất các giao dịch trực tuyến, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Trung bình mỗi năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Riêng tại Hà Nội, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023” vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 175 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính hơn 1,7 tỷ đồng, buộc tiêu hủy tang vật trị giá gần 1,4 tỷ đồng.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 28-6-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương của thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm.

Các lực lượng chức năng của thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ các mô hình điểm như tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát và tại những bữa cỗ tập trung đông người. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch; chú trọng kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, chế biến cũng cần phải có những biện pháp để thúc đẩy sản xuất sạch phát triển, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định; nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh, không được vì lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của “thực phẩm bẩn” cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để tự bảo vệ mình, lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức.

Có thể nói, việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ như một “mũi tên” hướng đến nhiều đích. Đó là góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì và phát triển nòi giống, tăng hiệu suất lao động, học tập; nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mũi tên” hướng nhiều đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.