(HNM) - Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm các sản phẩm tươi sống, tiêu dùng hằng ngày trên thị trường. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Còn nhiều vi phạm
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 4.747 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và có 1 cơ sở giết mổ lợn tập trung tại xã Vạn Phúc với quy mô giết mổ 1.500 con/ngày, nhưng được các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, để kiểm soát an toàn thực phẩm, trong quý I-2023, huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo đó, đã kiểm tra, xử lý 11 vụ với số tiền hơn 254 triệu đồng, lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhằm tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, quý I-2023, các lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tăng cường lấy mẫu, giám sát tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao, như: rau, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản...
Theo đó, đã lấy 29 mẫu rau, thịt, thủy sản, hiện đã có kết quả 5/29 mẫu, 5/5 mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích. Thông qua kiểm tra tại 93 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; xử phạt 2 tổ chức và 2 cá nhân với số tiền hơn 54,5 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, hiện nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn khó khăn do nhiều hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ nên khó khăn cho công tác thống kê, theo dõi, quản lý. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn do chưa có các test xét nghiệm cho tuyến huyện, như: hóa chất, bảo vệ thực vật, độc tố nấm, hàm lượng kim loại... Ngoài ra, việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ còn vướng mắc, nhiều hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cũng về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các phương thức truyền thống thông qua chợ đầu mối, chợ dân sinh… Hiện nay, các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có rất ít trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn để tập trung hàng hóa. Do không có kho lạnh để bảo quản thực phẩm, nên sản phẩm tươi sống thường được các nhà cung cấp giao trực tiếp đến các điểm bán lẻ nên lượng hàng vận chuyển không lớn, đôi khi còn chưa kịp thời do khoảng cách, thời gian vận chuyển, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm được giao.
Xử lý nghiêm
Để vấn đề quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản thực phẩm bán trên thị trường từ nơi sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Cùng với đó, các sở, ngành tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, sản xuất thực phẩm sạch, an toàn về vốn, mở rộng quy mô sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi khép kín. Huyện tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Tương tự như vậy, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức vùng sản xuất, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, liên kết chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
“Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các sở, ngành tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại chuỗi giá trị, các khâu sản xuất ban đầu, chợ đầu mối nông sản. Sở cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Y tế rà soát, bổ sung ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm thực phẩm nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nói thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.