Giá đất cơ bản giữ nguyên như năm 2012 (HNM) - Ngày 9-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, UBND TP đã họp phiên tập thể bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 của thành phố.
Ảnh: Trung Kiên
Kết quả kinh tế Hà Nội có xu hướng khả quan hơn chủ yếu nhờ ngành dịch vụ tăng cao hơn mức trung bình và đã tăng dần qua các quý. Tăng trưởng dịch vụ cả năm đạt 9,3%. Các ngành còn lại hầu hết gặp khó khăn. Cụ thể, nông nghiệp sang quý III và IV đã dần phục hồi nhưng kết quả tăng trưởng cả năm chỉ đạt khoảng 0,4%. Trong khi đó, công nghiệp - xây dựng giảm dần tốc độ tăng trưởng, tính chung cả năm chỉ tăng khoảng 7,7%. Tỷ lệ sản phẩm tồn kho ngành công nghiệp ở mức cao. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 5,1% - chỉ bằng 79,2% mức của cả năm 2011 và 49% của năm 2010. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV-2012 ước tăng 8,6%. Đây là quý tăng cao nhất trong năm và tiếp tục xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước, liên tục trong 4 quý của năm 2012. Với kết quả này, chỉ số GRDP của Hà Nội năm 2012 sẽ tăng 8,1%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu nhưng gấp 1,56 lần so mặt bằng chung cả nước. Hà Nội cũng là địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ như giảm lãi suất ngân hàng, khoanh vùng nợ xấu… Với nhiều giải pháp bình ổn giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2012 của TP dự báo sẽ kiểm soát được ở mức một con số.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn TP dự kiến không đạt dự toán. Đại diện Sở Tài chính cho biết, nguyên nhân chủ yếu do sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) rất khó khăn, hàng tồn kho lớn, một bộ phận DN có năng lực tài chính yếu, nhất là DN vừa và nhỏ hoạt động cầm chừng hoặc giải thể. Ngoài ra, sức mua thị trường đối với các mặt hàng có mức tiêu thụ lớn trong các năm trước như điện tử, ô tô, xe máy bị giảm sút nặng, kết quả đấu giá đất khó khăn, thị trường bất động sản đình trệ. Giảm thu ngân sách còn do thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn các khoản thuế theo các chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh của DN và người dân. Số thu ngân sách của TP bị ảnh hưởng liên quan đến việc này lên tới trên 10.000 tỷ đồng. Những vấn đề trên là tác nhân trực tiếp khiến 5/14 khoản thu nội địa không đạt dự toán ngân sách giao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn TP năm 2012 ước đạt 139.543 tỷ đồng, bằng 96,2% so với dự toán được giao. Mặc dù vậy, kết quả này cũng là khá cao, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bất chấp khó khăn về kinh tế, thành quả nổi bật của Hà Nội trong năm 2012 là bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả tổng hợp từ các địa phương cho thấy, chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo 23.000 hộ trên toàn địa bàn chắc chắn sẽ hoàn thành. TP tập trung chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công; đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 46,95 tỷ đồng (đạt 260% kế hoạch), tặng 9.850 sổ tiết kiệm cho người có công (đạt 265% kế hoạch). Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm, số lao động được giải quyết việc làm ước cả năm đạt 135.800 lượt, bằng 97% kế hoạch. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về dân số như giảm tỷ suất sinh thô, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba đều không đạt kế hoạch. Tình trạng mất cân bằng giới cũng tăng cao, với tỷ lệ trẻ nam cao hơn nhiều so với trẻ nữ.
Mặc dù dự báo năm 2013 tiếp tục khó khăn, trong khi dự toán ngân sách Trung ương giao cho Hà Nội dự kiến khá cao: 161.475 tỷ đồng, nhưng UBND TP khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương và phấn đấu quyết liệt để hoàn thành. Đề xuất mức tăng trưởng GRDP TP năm 2013 do Sở KHĐT trình là từ 7,5 đến 8,5%. Tuy nhiên, kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, phương hướng tổng quát chung là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nhưng phải làm sao tăng trưởng cao hơn năm 2012 và đưa lạm phát thấp xuống. Trong đó, tăng trưởng GRDP nên tính toán lại, nếu có thể chọn phương án tăng từ 8,5% trở lên. Chủ tịch UBND TP khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 của TP là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy du lịch, thị trường bất động sản… Đặc biệt phải tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa giáo dục; công tác quy hoạch, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, giao thông, thủy lợi, ô nhiễm môi trường...
Giá đất cơ bản giữ nguyên như năm 2012 Cũng tại phiên họp tập thể ngày 9-11, các thành viên UBND TP đã nghe và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tờ trình về bảng giá các loại đất trên địa bàn TP năm 2013 và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND TP để phù hợp với bảng giá đất mới và thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Các thành viên UBND TP cơ bản nhất trí dự thảo tờ trình bảng giá đất mới để trình HĐND TP tại kỳ họp tháng 12 tới theo hướng cơ bản giữ nguyên như năm 2012, chỉ điều chỉnh tăng giá đất phi nông nghiệp và giá đất ở tại một số khu vực. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại các quận nội thành dự kiến sẽ có mức tối đa là 47.810.000 đồng/m2, tối thiểu là 2.040.000 đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại thị xã Sơn Tây và thị trấn các huyện có giá tối đa là 16.921.000 đồng/m2, giữ nguyên mức giá tối thiểu là 525.000 đồng/m2. Tại nông thôn, khu vực giáp ranh với các quận có mức tối đa là 19.124.000 đồng/m2, giữ nguyên mức tối thiểu là 1.221.000 đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại khu dân cư nông thôn có mức giá mới, tối đa là 1.620.000 đồng/m2 và tối thiểu là 245.000 đồng/m2. Giá đất ở thấp nhất tại các quận dự kiến là 3.654.000 đồng/m2, cao nhất vẫn giữ nguyên mức 81 triệu đồng/m2. Giá đất ở tối thiểu tại khu dân cư nông thôn dự kiến điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng lên 350.000 đồng/m2. Giá đất nông nghiệp được giữ nguyên như năm 2011. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.