(HNM) - Thời gian này, nhiều đơn vị múa rối chuyên nghiệp của Việt Nam đang gấp rút dàn dựng các vở diễn để chuẩn bị thi tài trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ hai - một sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 9-9 tới.
Rối nước Việt Nam biểu diễn tại thành phố giải trí Genting, Malaysia, được khán giả quốc tế ưa thích. Ảnh: Năng Lực |
Từ một vài hướng đi mới
Múa rối luôn là môn nghệ thuật được khán giả trong và ngoài nước yêu thích, nhất là "món" rối nước đặc sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cứ đem những tích xưa cũ hay "nhặt nhạnh" một vài trò diễn dân gian để đem ra thi đấu với bạn bè quốc tế thì đến khán giả nhà cũng chán chứ chưa nói đến người nước ngoài.
Chuyện NSƯT Vương Duy Biên, hiện là Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn kiêm Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam có những sáng tạo được coi là "bứt phá" trong nghệ thuật múa rối hiện đại ở vở "Hồn quê" rất đáng ghi nhận. Không phải vì "Hồn quê" đã đoạt được HCV duy nhất trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần đầu mà đó là tác phẩm kỷ lục về "lực" hấp dẫn khán giả liên tục trong 2 năm qua với 1-2 suất diễn/ngày. NSƯT Vương Duy Biên đã xếp múa rối truyền thống sang một bên, mở ra không gian nông thôn Việt Nam với những hình ảnh gần gũi, dễ thương và đầy xúc cảm. Ở đó, người nghệ sĩ trực tiếp đẽo những con rối gỗ và đem ra biểu diễn ngay sau đó. Người và rối trong "Hồn quê" được hòa vào và gắn kết với nhau chứ không ẩn mình sau tấm rèm như những trò khác. NSƯT Vương Duy Biên đã tạo ra một "trào lưu" mới, kết hợp rối nước, rối cạn và nghệ thuật sắp đặt trong múa rối hiện đại. Ngoài ra, còn có thể kể đến "Nụ cười trẻ thơ" của đạo diễn Trọng Dũng (Nhà hát Múa rối Việt Nam) với kỹ thuật đem đến một nét khác lạ: nghệ sĩ vừa trượt patanh vừa điều khiển con rối.
Nhắm vào "cơn khát" của khán giả
Tiếc là sau "trò" mới của NSƯT Vương Duy Biên, đến nay vẫn chưa thấy có vở rối hiện đại nào tạo được hiệu ứng khán giả tốt đến vậy. Không tham gia "ứng thí" trong liên hoan lần này, NSƯT Vương Duy Biên với tư cách là thành viên Ban Tổ chức bày tỏ: "Liên hoan lần thứ hai là sân chơi dành cho những nghệ sĩ múa rối hiện đại. Còn Cục sẽ tổ chức một liên hoan múa rối truyền thống vào cuối năm cho các phường rối dân gian. Chính vì thế, tác phẩm có màu sắc mới, đề tài rõ ràng sẽ là tiêu chí để chọn lựa đại diện của Việt Nam.
Múa rối hiện đại không phủ nhận nét truyền thống, nhưng làm thế nào để đưa được giá trị văn hóa và tâm hồn Việt vào trong tác phẩm, để nó "tỏa" ra thành một mạch chuyện thông suốt chứ không phải là sự nhặt nhạnh những tích trò cũ mang "khoe" với bạn bè? Đây là một điều đáng suy nghĩ đối với người nghệ sĩ nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Theo ông Vương Duy Biên, đã là múa rối hiện đại thì phải mang được "hơi thở" gấp gáp của cuộc sống và thiên về tính giải trí. Đừng để những con rối "cứng" nhắc với lời thoại nhiều quá sức chuyển tải, cũng không cần "lên gân" trong những vở diễn. Cái khán giả hiện đại đang "khát" là những trò đơn giản, nhẹ nhàng, giàu sáng tạo để thưởng thức, thư giãn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng.
Chính vì thế, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ hai không áp đặt chủ đề. Điều Ban Tổ chức kỳ vọng là liên hoan sẽ đem lại những ngày giải trí sôi động, thu hút được đông đảo khán giả nước nhà và sau đó có thể tạo nên một "trào lưu" mới trên sân khấu giải trí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.