(HNM) - Bằng giờ này tuần trước, cả thế giới hồi hộp trước nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ. Phố Wall chứng kiến tuần giảm điểm mạnh nhất trong năm, châm ngòi cho đà lao dốc của chứng khoán toàn cầu.
Năm ngày sau giới hạn đỏ (2-8), Chính phủ của Tổng thống Barack Obama thoát hiểm nhờ cuộc thỏa hiệp trên đồi Capital. Thế nhưng, thị trường cổ phiếu Mỹ lại khép tuần ở mức đáy kể từ năm 2008. Màu đỏ thống trị các sàn chứng khoán trải dài từ Mỹ đến châu Âu và châu Á với ngày thứ sáu đen tối trong tuần (giảm từ 3 đến 4%) đang đặt một câu hỏi lớn: thanh khoản Mỹ liệu có thể xoay chuyển được suy giảm tồi tệ trên thị trường toàn cầu?
Tỷ lệ thất nghiệp khó được cải thiện khi Mỹ phải thắt chặt chi tiêu. |
Phải khẳng định ngay rằng, thỏa thuận nới rộng khả năng tài chính cho Nhà Trắng của giới lập pháp Mỹ đã cứu nền kinh tế thế giới khỏi một "bàn thua" vào thời điểm tăng trưởng đang vô cùng chập chờn. Đã quá rõ nếu trụ cột lớn nhất này vỡ nợ, hàng loạt hệ lụy khôn lường sẽ lan khắp hành tinh. Thế nhưng, cũng sẽ là ngộ nhận khi cho rằng, nước Mỹ "vượt bão" thành công là những ngày biển lặng đã đến. Rõ ràng, ngòi nổ của quả bom vỡ nợ được tháo chỉ ngăn chặn được một thảm họa tức thì chứ chưa thể hóa giải các mối nguy hiểm đang rình rập. Do đó, có phấn chấn đôi chút ngay sau cú thoát hiểm của người Mỹ, thị trường toàn cầu đã trở lại với những âu lo vốn có và một lần nữa, chủ đề nợ lại bao trùm thế giới.
Sự thật là xứ Cờ hoa đang đối mặt với tình trạng chi nhiều hơn thu - một nguy hiểm tài chính với bất kỳ quốc gia nào. Như vậy, dường như nợ công không còn là món "đặc sản" của riêng châu Âu. Thông báo mới nhất cho biết, nợ công của Mỹ đến ngày 3-8 là 14.580 tỷ USD, cao hơn 238 tỷ USD so với GDP năm 2010. Việc ghi danh vào nhóm các quốc gia có mức nợ cao hơn GDP của Mỹ cho thấy sản phẩm nợ công xuất xứ từ Lục địa già đã vượt Đại Tây Dương để du nhập Mỹ khi tiền nợ nhiều hơn số tiền làm ra.
Như cảnh báo trước đó, hãng xếp hạng tín dụng S&P vừa hạ mức tín nhiệm dài hạn cao nhất AAA mà Mỹ chiếm giữ suốt 70 năm qua xuống AA+. Như vậy, từ chỗ được đánh giá là an toàn nhất thế giới, trái phiếu kho bạc Mỹ giờ thấp hơn Anh, Đức, Pháp hay Canada. Khuyến cáo sẽ còn hạ bậc xếp hạng của xứ Cờ hoa trong trung hạn của các hãng xếp hạng quốc tế đã khiến các nhà đầu tư khắp thế giới lâm vào tình trạng bất an. Lập tức, cuộc chạy trốn rủi ro tìm an toàn cho đồng vốn được vận hành hết công suất. Kết quả là những thị trường nhiều may rủi như chứng khoán gần như mất sạch những thành quả của một thời gắng gượng và vàng, nơi trú ẩn tất yếu, đã leo lên kỷ lục 1.684,90 USD/ounce trong tuần trước khi chốt tuần ở mức 1.663,40 USD/ounce do nhu cầu hiện thực hóa tiền lãi của giới đầu tư.
Sự biến động khó kiểm soát này được cho là sẽ còn tiếp diễn nếu các số liệu kinh tế không mang lại niềm tin cần thiết. Cho dù đã bẻ lái thành công khỏi vực xoáy vỡ nợ, nhưng với các biện pháp cắt giảm chi tiêu bắt buộc để đổi lấy trần nợ, con tàu Mỹ đã và đang đi vào một vùng biển nhiều nhiễu động. Khi kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,8% trong nửa đầu năm nay, hàng triệu ngôi nhà đang đắp chiếu chờ bán, 25 triệu người vẫn chưa tìm được công ăn việc làm ổn định... thì kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm cho người Mỹ mà Tổng thống B.Obama xác định là mục tiêu ưu tiên không dễ được thực hiện. Khả năng nhiều nhà máy không hoạt động như mong muốn do nhu cầu tiêu dùng giảm đang đe dọa thu hẹp biên chế thêm nữa... trở thành lý do đẩy dầu thô vào những phiên trượt dài liên tiếp. Kết thúc một tuần tụt dốc, dầu giảm mạnh nhất kể từ ngày 5-5 và đóng hợp đồng ở mức 87,26 USD/thùng.
Gần một tuần sau ngày đáng nhớ 2-8, có những nhận định cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép đã lên tới 35%. Ai cũng hiểu, với vai trò đầu tàu kinh tế toàn cầu, nếu xứ Cờ hoa đi theo chiều ngược thì phần còn lại của hành tinh cũng sẽ chẳng sáng sủa gì. Hy vọng lúc này là sự hợp tác của thời toàn cầu hóa sẽ giúp cỗ xe kinh tế thế giới vượt qua những trở ngại trước một mùa gió lớn đang đến gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.