Phân loại rác thải tại nguồn đang có những tín hiệu tích cực trên thực tế trước kết quả bước đầu trong việc thực hiện thí điểm ở một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Giờ đây, việc cần bàn là làm thế nào để từ ngày 1-1-2025, việc thí điểm này được nhân ra rộng khắp các địa phương theo đúng như quy định của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành luật đã đề ra về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thực tế, thời gian qua, Hà Nội luôn là một trong những địa phương tích cực đi đầu trong việc thí điểm phân loại rác thải tại nguồn. Từ những năm 2020, 2021, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, phối hợp với việc đổi rác lấy quà, được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Nối tiếp những bước đi đầu tiên này, từ tháng 6-2024, thành phố đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 23 phường của 5 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm. Chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 4 loại: Chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải thực phẩm và rác thải khác).
Việc thí điểm đến nay đang mang lại những kết quả tích cực và đáng khen ngợi. Điển hình là quận Hoàn Kiếm đã đi đầu và thực hiện thí điểm đồng loạt ở 18 phường trên địa bàn. Người dân rất đồng tình trong việc thực hiện phân loại rác thải và đây là cơ sở để quận Hoàn Kiếm đặt mục tiêu triển khai tới 100% số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định.
Qua tìm hiểu từ những địa phương đang thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, kinh nghiệm quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân. Bên cạnh cung cấp đầy đủ các quy định pháp luật liên quan, cơ quan chức năng thường xuyên thông tin về mục đích, ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn bằng việc phát tờ rơi, thông tin trên hệ thống loa phát thanh, tại các hội nghị của khu dân cư… Cùng với đó, xây dựng các tài liệu, video clip hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn phát trên nhóm Zalo của các tổ dân phố cùng các kênh tương tác khác.
Một kinh nghiệm quý nữa là cơ quan chức năng địa phương tổ chức ký cam kết tới từng gia đình, hộ kinh doanh và bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc phân loại chất thải ở từng khu dân cư; đồng thời, kịp thời tuyên dương người dân thực hiện phân loại, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định…
Rõ ràng, việc phân loại rác thải tại nguồn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Với những kinh nghiệm từ việc thí điểm, các địa phương trên địa bàn Hà Nội có thể chắt lọc, áp dụng phù hợp với thực tế ở địa phương mình. Quan trọng là làm sao để cho người dân hiểu, ủng hộ và tự giác thực hiện một cách trách nhiệm, nhiệt tình.
Quá trình triển khai nhân rộng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chắc chắn không dễ dàng, bởi việc hình thành nên một thói quen tích cực trong cộng đồng cần có thời gian và sự kiên trì, bền bỉ. Vì thế, các địa phương cần linh hoạt, không nên áp dụng một cách rập khuôn, máy móc. Theo đó, việc thực hiện cần dựa trên khảo sát thực tế kết hợp với thu nạp kinh nghiệm từ các mô hình phân loại rác thành công. Lưu ý là quá trình này cần tham khảo ý kiến từ nhân dân để bảo đảm tính phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện, phong cách sống ở từng địa phương. Làm sao để các quy định trong phân loại chất thải vừa mang tính đại chúng, vừa bảo đảm yếu tố đặc thù, ứng dụng được trên các địa bàn và hình thái dân cư khác nhau.
Hà Nội là đô thị lớn nhất nhì của cả nước. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, việc xử lý không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô. Vì thế, việc phân loại rác thải tại nguồn không những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp ích cho môi trường sống của chúng ta ngày càng trong lành hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.