Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một việc không nhỏ…

Nữ Quỳnh| 04/01/2010 06:20

Trong những ngày đầu tiên của năm mới, báo chí thông tin việc nhiều cá nhân tranh thủ lúc Lễ hội Hoa ở Hà Nội đông người tham quan đã tổ chức trông giữ xe máy với mức giá lên tới 50.000 đồng/lượt... Hàng chục điểm trông giữ xe tự phát mọc lên tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm thả sức "chặt chém" du khách...

Người ta vẫn nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng từ sự việc trên khiến chúng ta phải đặt câu hỏi rằng "ta sống với nhau như thế nào?".


Ảnh: Xuân Tùng

Người Việt vốn có truyền thống tương thân, tương ái. Từ lâu lắm rồi, mỗi khi đồng bào ta ở một miền quê nào đó phải chịu những thiệt hại do thiên tai, người dân khắp cả nước lại chung tay, chung sức ủng hộ. Thế nhưng ở đâu đó, vẫn có những người sẵn sàng lợi dụng, tranh thủ kiếm chác phi lý trên lòng tốt hoặc sự thật thà của người khác. Cái thói hám lợi, bất chấp đạo lý, tình người, lợi dụng hoàn cảnh để bắt bí người dân ấy thật đáng phê phán. Đáng nói là điều này không chỉ mới xảy ra, thực tế qua rất nhiều năm, cứ hễ khi có dịp lễ hội lập tức hiện tượng này lại diễn ra và cho đến nay dường như vẫn chưa có cơ quan quản lý nào xử lý.

Một nhạc sĩ đã có câu hát: "Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng..." với ngụ ý rằng chỉ với một tấm lòng nhỏ nhoi thôi, mà con người vượt rất xa những loài khác, có nghĩa và có tình hơn. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết đến, bên cạnh sự tất bật của cuộc sống, nhiều người dân cả nước vẫn dành một chút riêng tư hướng về người nghèo. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chương trình hành động cụ thể, kêu gọi sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xã hội, các tổ chức, cá nhân, vận động khơi dậy những tấm lòng nhân ái thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Tối 31-12-2009, Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp chương trình Nối vòng tay lớn quyên góp ủng hộ vì người nghèo, số tiền nhân dân cả nước đóng góp lên tới gần 5 ngàn tỷ đồng. Cũng dịp đầu năm mới, báo chí thông tin một lão nông ở Chơn Thành, Bình Phước đã hiến 2,4 tỷ đồng để xây dựng một ngôi trường tại địa phương cho các cháu lứa tuổi mầm non có nơi học hành. Đó là tâm nguyện cả một đời của người nông dân này và số tiền ấy ông đã trích từ khoản được đền bù về đất đai, trong khi vợ con ông vẫn hằng ngày vất vả bươn chải lo cuộc sống của gia đình...

Những khoản tiền đó là mồ hôi nước mắt, nhưng biết bao người đã sẵn lòng vì đồng bào mình. Và 50.000 đồng cho một lượt gửi xe, số tiền đó thật không quá lớn với một người dân Hà Nội, song nó không hề nhỏ với một người nghèo. Nếu khoản tiền nhỏ nhoi kia được góp cho đồng bào còn khó khăn thì thật ý nghĩa biết mấy!

Tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần, đâu đó vẫn còn có biết bao đồng bào ta đang phải chật vật với cuộc sống, nhiều nơi người dân còn chưa dám mơ dù chỉ là cái bánh chưng, miếng thịt hay manh áo ấm. Mong rằng trước khi làm một việc, mỗi người hãy nghĩ đến những đồng bào còn đang nghèo khó, cơ cực... Chỉ cần một tấm lòng sẽ mang lại cho người khác biết bao cơ hội. Cũng mong rằng, cơ quan chức năng sớm có thái độ tích cực nhằm dẹp bỏ cái thói hẹp hòi, ích kỷ của một số người sẵn sàng bất chấp tình người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một việc không nhỏ…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.