(HNM) - Làm nghề báo, hẳn ai cũng ước được một lần ra Trường Sa tác nghiệp. Có lẽ vì thế mà tôi thấy mình thật may mắn, thật tự hào khi được lãnh đạo cơ quan và Quân chủng Hải quân tạo điều kiện để có nhiều chuyến công tác đến với miền biển đảo mà không phải ai cũng có cơ hội đặt chân đến. Không giấu được niềm tự hào đâu: Tôi đã 3 lần được đến với Trường Sa, được tới thăm 17/21 điểm đảo tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình!
Chuyến đi đầu tiên vào tháng 4-2016, đó là một hành trình của cảm xúc. Ai lần đầu đi biển sẽ rõ biển mênh mông nhường nào, mới thấu hiểu sự kiên cường của người dân và cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi - được ví như những cột mốc chủ quyền sống trên biển. Tôi đã gặp những chiến sĩ còn rất trẻ, những người yêu tha thiết biển trời Tổ quốc. Các anh các em đến từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng với họ “trên biển thì không có vùng miền, quê quán mà chỉ có chung Tổ quốc Việt Nam mình”. Tôi đã ngẩn người, ấm áp khi nghe giữa sóng biển dạt dào tiếng chuông chùa ngân vang. Tôi đã thấy những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa, những tổ ấm gia đình hạnh phúc ở nơi mà không nhiều người được đặt chân tới... Đó là những hình ảnh thân thương không thể nào quên.
Chuyến đi thứ hai vào tháng 1-2018, rất ấn tượng bởi đó là mùa biển động. Đây cũng là chuyến đi dài ngày nhất (22 ngày), nhưng chúng tôi chỉ đến được 5 đảo. Áp thấp nhiệt đới, biển động dữ dội, mỗi lần vào ra đảo, sóng chồm lên trùm kín chiếc xuồng nhỏ, nên mỗi lần để các phóng viên với đồ nghề tác nghiệp lỉnh kỉnh lên xuống xuồng, Trưởng đoàn phải cân nhắc rất kỹ rồi mới ra quyết định. Có khi chỉ một nửa hoặc một phần ba số phóng viên được lên đảo. Thật xót xa khi chứng kiến những hàng cây xanh cao lớn trên đảo Trường Sa bị đổ rạp do cơn bão cuối năm 2017. Cây xanh ở Trường Sa như người bạn tâm giao của cán bộ, chiến sĩ. Nuôi trồng cây rất khó khăn, vì vậy, khi nhìn thấy hàng cây bật gốc, ai trong chúng tôi cũng thấy cảm thương.
Còn chuyến đi vào tháng 4-2021, tôi thấy một Trường Sa đã khác trước rất nhiều. Thật thú vị khi được chứng kiến đảo “trưởng thành” theo thời gian, mối liên hệ giữa Trường Sa với đất liền ngày một gần gũi. Khắp các đảo mà tôi đi qua, từ Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết... đâu cũng thấy nhà cửa khang trang, cây xanh tươi tốt, điện sáng, nước ngọt đủ đầy. Thật kỳ diệu khi được thấy những hàng cây bị đổ vì bão năm nào đã hồi sinh...
Mỗi chuyến đi thấy thêm yêu Tổ quốc mình. Thu hoạch lớn lắm. Thêm một lần được tham dự lễ chào cờ giữa bốn bề sóng vỗ, Quốc ca hùng tráng vang lên là thêm một lần thật sự tự hào, tự thấy mình phải sống tốt hơn. Bạn không thể nghĩ khác nếu được vinh dự hòa vào bầu không khí tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên biển trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm hùng hòa cùng khói hương. Máu của cha ông ta ngày nào hòa vào biển xanh để có độc lập, tự do hôm nay. Và giờ đây, bao nhiêu người con của Tổ quốc đang tiếp nối truyền thống không quản hy sinh canh giữ biển trời của Tổ quốc, mang lại sự bình yên cho nước nhà, cho tất cả chúng ta.
Ba lần được đặt chân đến đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, tôi ý thức được trách nhiệm của mình, thêm trân trọng và yêu quý nghề báo mà mình đã chọn hơn 18 năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.