Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một phán quyết nghiêm túc, công bằng

Hoàng Linh| 16/07/2016 06:11

(HNM) - Sự kiện Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ra phán quyết ngày 12-7, bác bỏ những tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới, đặc biệt là giới luật gia.


GS Douglas Guilfoyle.


Là một luật sư theo dõi sát vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông, tôi cho rằng phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài mang tính lịch sử và ấn tượng hơn nhiều so với các dự đoán ban đầu. Phán quyết đã áp dụng một cách nghiêm túc, công bằng và triệt để các điều khoản của UNCLOS 1982, từ đó dẫn tới kết quả cuối cùng có nhiều điểm tương đồng với phân tích của các chuyên gia trước đó.

Phán quyết đã bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như khẳng định rằng, những hoạt động bồi đắp của nước này ở các khu vực đá nửa chìm là vi phạm luật pháp. Đặc biệt, những tòa án quốc tế thông thường có xu hướng "nhẹ tay" khi xem xét, xác định quyền hoặc nghĩa vụ bị vi phạm thì đối với phán quyết lần này, Tòa trọng tài đã xác định Trung Quốc vi phạm Điều 300 của UNCLOS 1982 về trách nhiệm hành động một cách trung thực. Đây được xem là kết luận đột phá và là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các đạo luật liên quan hệ thống giải quyết tranh chấp biển sẽ không nhượng bộ trước hành vi của các siêu cường trên thế giới. Đồng thời cũng lần đầu mạnh dạn vượt qua những quan điểm thông thường vốn e ngại việc phán quyết trong các vấn đề tranh chấp gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của hệ thống Luật Biển.

Trên thực tế, chiến lược của Trung Quốc trong vụ việc lần này luôn hướng đến thách thức thẩm quyền và tính hợp pháp của Tòa trọng tài và né tránh tham gia tiến trình xét xử. Tuy nhiên, đây chỉ là những ngụy biện nhằm chỉ trích các thành viên đơn lẻ của Tòa trọng tài. Tòa trọng tài đã xác định thẩm quyền trong vụ tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc không có gì bất thường. Trước đó, Trung Quốc viện dẫn các ý kiến trái chiều dựa vào lý do những tranh chấp về chủ quyền không nằm trong các điều khoản của UNCLOS và Trung Quốc đã “vắng mặt” hợp lệ trong tiến trình xét xử tranh chấp của Tòa trọng tài. Song, những lập luận này đã vấp phải một vấn đề lớn. Đó là việc các tòa án quốc tế từ lâu đã được tổ chức theo nguyên tắc là một số khía cạnh của vụ tranh chấp không phải lý do để từ chối các đơn kiện hay câu hỏi pháp lý thực sự nằm trong thẩm quyền. Điều này đã được nhà nghiên cứu luật quốc tế người Mỹ Alan Boyle nêu ra trong luận điểm năm 1997 rằng, những trường hợp ngoại lệ trong các phiên xử tranh chấp theo UNCLOS cho phép thẩm quyền có hiệu lực tùy thuộc vào những tranh luận và đặc thù của tranh chấp. Như vậy, Tòa trọng tài kể cả khi không có thẩm quyền về tranh chấp biên giới biển sẽ vẫn có quyền đưa ra giải đáp cho các câu hỏi pháp lý liên quan đến quyền lợi trên biển mà một quốc gia tuyên bố sở hữu có thể gây ra những tranh chấp, chồng lấn đối với một quốc gia khác. Theo hướng như vậy, rõ ràng Philippines đã được luật pháp bảo vệ.

Về vấn đề “Đường 9 đoạn” gây tranh cãi mà Trung Quốc đưa ra, về cơ bản có hai cách hiểu. Trong đó, hướng được nhắc tới thường xuyên nhất là thể hiện khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với mọi cấu tạo biển bên trong khu vực “Đường 9 đoạn”, bao gồm các đảo (theo đúng định nghĩa của UNCLOS) có khả năng sinh ra các khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Cách hiểu còn lại là việc Trung Quốc cố gắng thể hiện quyền lịch sử đối với toàn bộ khu vực này. Tuy nhiên, đây là hướng vấp phải khá nhiều rào cản, bởi lẽ quyền lịch sử chỉ có thể được xác lập nếu thường xuyên được khẳng định trong một thời gian dài và phải nhận được sự đồng thuận tổng thể - cả hai thứ mà quốc gia đông dân nhất thế giới đều không có. Bên cạnh đó, những khu vực mà nước này xác định chủ quyền theo “quyền sở hữu lịch sử” lại thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia khác nên không được UNCLOS công nhận.

Nhìn chung, về mặt pháp lý, phán quyết lần này của Tòa trọng tài có tính chất quyết định bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Về mặt ngoại giao, phán quyết sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì quyền lịch sử khi không được sự ủng hộ của tòa án được thành lập theo Công ước của Liên hợp quốc mà bản thân Trung Quốc cũng là thành viên. Nhìn một cách tổng thể ở góc độ pháp lý, những phán quyết của Tòa trọng tài là khó có thể tranh cãi. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một phán quyết nghiêm túc, công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.