(HNM) - Không phải đến tận bây giờ, mà đã từ khá lâu, sau những chuyện buồn, thậm chí đau đến xé lòng do các game thủ với trò chơi game online du nhập và phát triển ở nước ta gây ra, chúng ta đã bàn thảo, thậm chí đưa ra các quy định để siết lại thứ trò chơi ma thuật này.
Đã có rất nhiều lời cảnh báo từ các cơ quan ngôn luận thông qua những câu chuyện thường nhật của thực tế đời sống, của chính các cơ quan thực thi pháp luật, nhằm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về mặt trái khôn lường của những trò giải trí này.
Tại diễn đàn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII diễn ra cách đây chưa lâu, dẫu nhân dân cả nước "nóng" cùng Quốc hội những vấn đề mang tầm thế kỷ, nhưng sự bức xúc của nhiều đại biểu trước thực trạng nhức nhối liên quan đến game online cũng không hề hạ nhiệt. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Bạch Mai (đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh)… đã nêu ra những dẫn chứng cụ thể thông qua con số thống kê của các cơ quan chức năng khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết rằng: Với 20 ngàn đại lý game online và internet trên cả nước (không kể các máy tính nối mạng tại các gia đình và công sở) đã có tới 20 triệu người Việt Nam đắm chìm trong thú giải trí mà trong đó 77% là game bạo lực và 9% là game cờ bạc.
Chưa có con số thống kê chính xác về tội phạm liên quan đến game online, nhưng những vụ án mạng bắt nguồn từ game online, mỗi lần nhắc đến đều khiến chúng ta nhói lòng: Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1992 tại Thanh Hóa) cầm dao đâm chết cha đẻ, Phạm Quốc Thái (sinh năm 1994 tại Tiền Giang) sẵn sàng hạ sát ông ngoại mình vì bị cấm chơi game...
Rồi, còn rất nhiều câu chuyện đau lòng như: Cướp tài sản, bắt cóc trẻ em tống tiền… mà hung thủ toàn cỡ 16 đến 17 tuổi gây ra cũng chỉ vì để có tiền phục vụ sự đam mê game online quá mức.
Nhiều trò chơi trực tuyến đã bị yêu cầu dừng lại do có những nội dung mang yếu tố bạo lực, kích động bạo lực…; nhưng xem ra cách xử phạt của các cơ quan chức năng đối với đơn vị kinh doanh các trò chơi này là quá nhẹ, thậm chí chưa đủ sức răn đe.
Nhiều tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) cũng đã đưa ra các quy định để xử phạt, thậm chí đóng cửa vĩnh viễn các đại lý internet, game online không chấp hành các quy định về giờ giấc, địa điểm, nội dung các trò chơi được lưu hành…
Để rồi, không biết có phải quá bức xúc về những vấn đề dư luận nêu ra liên quan đến game online, cách đây hơn 1 tháng, Viện Xã hội học (thuộc Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam) đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học về dịch vụ trò chơi trực tuyến này. Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, một thành viên hội đồng thẩm định game quốc gia, cán bộ của Viện được giao làm chủ nhiệm cuộc điều tra. Với 1.320 phiếu định hướng, 100 phiếu định tính được thực hiện trên 6 địa phương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Dương, kết quả khảo sát đã khiến không chỉ những cán bộ thuộc các cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ quản lý game online phải suy nghĩ, mà hầu như tất cả giới truyền thông đều "choáng" khi được biết có đến 78% số người được hỏi (bao gồm 71,7% đang ngồi trên ghế nhà trường, 6,5% là nhân viên văn phòng, 5,2% làm nghề tự do, 3,9% buôn bán và làm dịch vụ, 3,5% cán bộ nhà nước, 3,1% công nhân và 3% thất nghiệp): "cảm thấy khỏe mạnh, thậm chí còn giảm bớt căng thẳng…"!?
Thôi thì, cứ cộng tất cả số người thất nghiệp, công nhân, buôn bán, làm nghề tự do… được khảo sát lại ta mới chỉ có được 28,3%; vậy gần 50% nữa "cảm thấy khỏe mạnh" đều rơi vào đối tượng đang ngồi trên ghế nhà trường cả, thì xem ra dân ta chả mấy mà trở nên cường tráng khi con, cháu mình đã còng lưng vác sách đi học, lại học ngày mấy buổi, còn rảnh giờ nào chơi game thoải mái giờ ấy…
Chúng ta trân trọng ý thức trách nhiệm trước cộng đồng của những người có ý tưởng tiến hành cuộc "điều tra" xã hội học; nhưng xem ra các con số qua điều tra, đặc biệt là các đối tượng trong diện cần khảo sát của một hoạt động có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội lại chưa được chú trọng, thậm chí chưa tiếp cận số tội phạm bắt nguồn từ game online.
Nếu quả thực như kết quả công bố qua cuộc điều tra xã hội học trên là chính xác, thì phải nói rằng cũng là điều đáng suy nghĩ lắm. Nhưng đó mới chỉ là một nửa sự thật. Một nửa khắc nghiệt và đau đớn còn lại ẩn đâu? Có phải các "nhà điều tra" không thấy, hay phía sau cuộc "điều tra" còn gì khác nữa?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.