Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một năm áp dụng chuyển mạng giữ số: Không như kỳ vọng

Việt Nga| 23/11/2019 07:48

(HNM) - Sau 1 năm áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số, chỉ có 1.123.126 thuê bao chuyển mạng thành công, đạt tỷ lệ chỉ 0,86%, không được như kỳ vọng, trong khi tỷ lệ này theo thống kê của Liên minh Viễn thông thế giới là khoảng 5%. Đáng chú ý, trong số 4 nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số chỉ có VinaPhone đạt dương, các nhà mạng còn lại đều âm vì mất thuê bao.

Theo công bố của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính từ ngày 16-11-2018 đến 18-11-2019, cả nước có 1.391.867 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số, trong đó có 1.123.126 thuê bao thành công, đạt 81,4%. Như vậy, căn cứ theo tổng thuê bao di động của cả nước hiện là 129,3 triệu, thì tỷ lệ thuê bao chuyển mạng thành công chỉ chiếm 0,86%. Kể cả trường hợp tính toán dựa trên số liệu thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số (thuê bao mong muốn chuyển mạng) thì tỷ lệ cũng chỉ đạt 1,07%.

Sau 1 năm chỉ VinaPhone có thuê bao chuyển mạng giữ số đạt dương

Cũng theo số liệu của Cục Viễn thông, sau 1 năm, VinaPhone là nhà mạng duy nhất đến nay đạt dương từ chuyển mạng giữ số khi có thêm 64.688 thuê bao đến (có 441.007 thuê bao chuyển đến thành công và 376.319 thuê bao chuyển đi thành công). Hai nhà mạng Viettel, MobiFone bị âm vì mất thuê bao với con số lần lượt là 7.281 thuê bao và 463 thuê bao. Vietnamobile bị thiệt hại nặng nhất khi âm tới 56.944 thuê bao.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ rời mạng chuyển sang mạng mới tại Việt Nam thấp? Hồi tháng 5-2019, khi sơ kết 6 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (nay là Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện) từng thẳng thắn nêu tình trạng các doanh nghiệp viễn thông từ chối sai, gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng. Các phương tiện truyền thông từng đề cập một số trường hợp khách hàng phản ánh về quy trình, thủ tục thời gian chuyển mạng giữ số giữa các nhà mạng kéo dài, thuê bao yêu cầu nhiều lần nhưng vẫn không được chuyển...

Thực tế, tỷ lệ chuyển mạng thành công trong giai đoạn này, ngoại trừ Viettel (đạt 70%), các nhà mạng còn lại đạt dưới 60%. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng nâng tỷ lệ thuê bao chuyển mạng thành công lên 70%; yêu cầu công khai số liệu về lý do từ chối chuyển mạng giữ số, tỷ lệ giải quyết khiếu nại... Kết quả, tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công đã được nâng lên rõ rệt; đến ngày 18-11-2019, tỷ lệ này lần lượt là Viettel 85%, VinaPhone 83,4%, MobiFone 76,7% và Vietnamobile 62,4%. Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đưa ra tiêu chí nâng tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công từ 70% lên 80%; khi đạt được cột mốc này, sẽ tiếp tục nâng lên 90% để bảo đảm trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Về phía nhà mạng, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) thuộc Tập đoàn VNPT cho biết, trong giai đoạn đầu, sau khi có phản hồi từ khách hàng, VinaPhone đã rà soát và quán triệt đến các nhân viên phải tạo điều kiện tốt nhất có thể cho thuê bao chuyển mạng. Cùng với đó, nhà mạng áp dụng chính sách ưu đãi nên VinaPhone luôn đạt tỷ lệ thuê bao dương và các thuê bao mới đã đem lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/tháng. Còn theo đại diện MobiFone, cùng với việc tiếp nhận thông tin chuyển mạng giữ số, bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng cũng tìm hiểu nhu cầu, lý do chuyển mạng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chất lượng, gói cước. Với những thuê bao vẫn mong muốn chuyển mạng, MobiFone quán triệt nhân viên phải tạo điều kiện đáp ứng cho khách hàng.  

Ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam cho rằng, nhà mạng nên bỏ chính sách ưu đãi bằng cam kết cho khách hàng để thuê bao có thể chuyển mạng giữ số khi có nhu cầu... Tuy nhiên với thị trường viễn thông di động, cạnh tranh luôn diễn ra khốc liệt, nên các nhà mạng phải áp dụng chính sách có lợi để giữ chân khách hàng. Và với những gì đang diễn ra, có thể thấy người dùng dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam dường như không quá mặn mà với việc đổi sang mạng khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một năm áp dụng chuyển mạng giữ số: Không như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.