(HNM) - Vừa rồi có ba sự kiện "nóng" trong dư luận xã hội:
1- Kiến nghị của Bộ GTVT về thu phí lưu hành phương tiện vận tải cá nhân. 2 - "Rò rỉ" đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam. 3 - Nợ khủng của Công ty Bình An ở Cần Thơ.
Về phân cấp quản lý, đương nhiên các cấp chính quyền địa phương, bộ, ngành thừa thẩm quyền để giải quyết các vụ việc "nóng" như vậy. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là hầu hết các vụ việc tương tự đều được người ta "đẩy" lên Thủ tướng xem xét!
Là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng chắc chắn được thông báo đầy đủ về những vụ việc ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân, an sinh xã hội, gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tới đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng biết không có nghĩa là Thủ tướng phải trực tiếp giải quyết tất cả các vụ việc của cấp dưới.
Những việc lớn như kiến nghị của Bộ GTVT về tăng phí lưu hành phương tiện giao thông cần có ý kiến của Thủ tướng và tiếp đó là Quốc hội phải thảo luận là tất nhiên; còn chuyện nợ nần của Công ty Bình An nào đó ở Cần Thơ, vì ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng vạn người dân nên lãnh đạo cần phải báo cáo với Thủ tướng cũng là tất nhiên. Song, nếu địa phương đề nghị "Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo", mà ai cũng hiểu là "mong Thủ tướng giải quyết hộ" thì đúng là khó hiểu. Tại sao lãnh đạo địa phương không thể giải quyết được vụ việc mà họ nắm rõ từ đầu tới cuối, diễn ra dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của họ, thuộc thẩm quyền của họ; dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành?
Có những văn bản cấp dưới gửi Thủ tướng (đưa tin rất đàng hoàng trên báo chí, truyền hình) nghe còn khó hiểu hơn. Ví dụ như chuyện bầy voi nhà ở Tây Nguyên chết dần do bị khai thác quá mức và không được chăm sóc tốt; chuyện hệ thống thủy lợi một số huyện miền Trung năm nào cũng phải tu bổ, nâng cấp do khi xây dựng nguồn kinh phí lúc có, lúc không, dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm; chuyện ngư dân một số vùng duyên hải gặp khó khăn trong việc nhận tiền trợ cấp xăng dầu theo quyết định của Chính phủ…
Tình trạng "đẩy" mọi việc lên Thủ tướng giải quyết đang ngày càng nhiều như kiểu "phong trào". Không chỉ địa phương, dù đó là cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí cấp xã; không chỉ các ngành, từ bộ tới sở, mà ngay cả các bộ trưởng, các đại biểu Quốc hội mỗi khi có việc, đòi hỏi họ phải thể hiện trách nhiệm, bị chất vấn, khó trả lời là "kính chuyển" lên Thủ tướng. Bản chất của tình trạng này, suy cho cùng là… né tránh trách nhiệm.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) yêu cầu nâng cao tính kỷ luật, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo, người đứng đầu được giao nhiệm vụ điều hành công việc của địa phương, đơn vị cho đến bộ, ngành. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ các cấp phải nghiêm túc hơn khi điều hành công việc chứ không chỉ để sự đã rồi lại "đẩy" lên cấp trên.
Những vụ việc nổi cộm liệu có xảy ra, có gây tác hại nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới tình hình xã hội nếu như lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành làm việc nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm trên cơ sở pháp luật, thực sự vì dân? Và khi đã để xảy ra (nếu họ giải quyết đúng thẩm quyền), thì không thể có tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lên cấp trên như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.