Cuốn sách “Đối mặt với B52” tái hiện cuộc chiến 12 ngày đêm bằng ký ức của những người dân đã trải qua những ngày tháng ấy.
Cuốn sách sẽ chính thức ra mắt độc giả vào tháng 12/2012, đúng 40 năm sau trận "Điện Biên Phủ trên không" |
Một Hà Nội tuy gánh chịu sự ác liệt của chiến tranh nhưng rất kiên cường và bình thản - Đó là cảm nhận chung của những nhân chứng đã sống qua 12 ngày đêm Hà Nội đối mặt với bom B52 năm 1972.
Trong ký ức của nhiều người, những hình ảnh về cuộc sống người dân Hà Nội trong chiến tranh phá hoại vẫn còn sống động và đầy cảm xúc. Chia sẻ trong buổi tọa đàm và giới thiệu cuốn sách “Đối mặt với B52” (diễn ra tối 8/11 tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội), ông Phùng Tửu Bôi, khi đó là cán bộ lâm nghiệp, nhớ lại việc đi sơ tán với người dân Hà Nội lúc ấy là rất bình thường. Người dân ai cũng phải đi sơ tán nhưng không phải họ dứt bỏ tất cả mà đi, có những người đi sơ tán nhưng vẫn về thăm nhà, thăm Hà Nội. Trong tâm hồn người Hà Nội lúc bấy giờ không sợ hãi, họ đã quá quen với cảnh chiến tranh.
Trong ký ức của ông Phùng Tửu Bôi, cuộc sống trong chiến tranh của người dân Hà Nội gắn liền với chiếc xe đạp và những căn hầm. Hầm là nơi gắn bó với tất cả mọi người, che chở họ trong những đợt bom ác liệt. Còn chiếc xe đạp là phương tiện di chuyển chính: đi làm, đi học, đi chơi, đi sơ tán, cáng thương…
Tham gia buổi tọa đàm có những nhân chứng không xuất hiện trong cuốn sách cũng tự nguyện đứng lên chia sẻ những gì mình đã trải qua. Họ vẫn nhớ hình ảnh Hà Nội đêm Noel các nam thanh nữ tú của Hà thành cũng như nhiều tỉnh thành lân cận kéo về xung quanh Nhà thờ Lớn đi chơi Noel. Họ vẫn nhớ Hà Nội sống cuộc sống thời chiến vào ban đêm nhưng ban ngày mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, những làng hoa ven đô vẫn tưng bừng khoe sắc…
Cuốn sách “Đối mặt với B52” là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 2 năm của một nhóm các nhà báo. Họ đã đi tìm lại những ký ức của người dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận ở miền Bắc về 12 ngày đêm Hà Nội gánh chịu những loạt bom B52 của đế quốc Mỹ. Họ đã tiếp xúc với cả nghìn nhân chứng để chọn lọc lấy 116 người xuất hiện trong cuốn sách, ghép lại thành một câu chuyện chung, với hy vọng mang lại một cái nhìn chân thực và sống động từ phía những người dân đã trải qua những ngày tháng ấy.
Nhà báo Đào Huyền, một trong các đồng tác giả của cuốn sách cho biết khi nghe các nhân chứng kể chuyện, chị cảm thấy cuộc chiến qua lời kể của họ không quá ác liệt và đáng sợ như là mình từng nghĩ. Khi những đợt máy bay Mỹ trút bom xuống, Hà Nội lại bước vào thời chiến, những con người ấy có lo lắng nhưng không hề hoảng loạn. Dường như với họ chuyện ấy đã trở nên bình thường quá, như là mỗi ngày thêm một vài quả bom mà thôi.
Với gần 40.000 tấn bom ném xuống trong 12 ngày đêm, không thể nói cuộc chiến tháng 12/1972 ở Hà Nội không khốc liệt và đau thương. Sự bình tĩnh của những nhân chứng và cảm giác “không quá đáng sợ” mà họ tạo ra là bởi Hà Nội thời gian đó đã quen với chiến tranh và quân dân thủ đô đối mặt bom đạn kẻ thù với sự kiên cường và tình yêu tha thiết dành cho mảnh đất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.