(HNM) - Sự lãng phí muôn hình vạn trạng, không cứ là bỏ nhiều tiền vào một việc không cần thiết, hoặc mua - làm rồi để đấy không dùng… Lãng phí, có khi là không biết tận dụng thời cơ, bỏ qua thế mạnh, cái sự ấy đáng nói vô cùng.
Lãng phí cơ hội, lãng phí thế mạnh là thứ không dễ định hình, dễ bị cho qua bởi về mặt hình thức thì không phải lúc nào người ta cũng nhận ra tổn thất, không dễ đong đếm được.
Có ai tự hỏi tổn thất có hay không khi ta không tận dụng được cơ hội đăng cai tổ chức loạt trận vòng loại thứ 4 môn bóng đá nam Olympic London 2012 khu vực Châu Á (diễn ra trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình từ ngày 25 đến 29-3) một cách trọn vẹn? Khi Việt Nam được chọn đăng cai vòng đấu này thay cho Malaysia, chỉ thấy những mỹ từ như "điều đó cho thấy AFC đánh giá rất cao năng lực tổ chức các giải bóng đá quốc tế ở Việt Nam" chứ không rõ chuyện làm cách nào để mời gọi khán giả.
Kết quả là khi bóng lăn, bốn phía khán đài 4 vạn chỗ ngồi vắng hoe. Tiền của bỏ ra tổ chức 3 trận đấu không ít, dù có sự hỗ trợ từ AFC đi chăng nữa thì so với hiệu quả thu được gần bằng không, đó đích thực là sự lãng phí.
Hay nói về việc đưa vận động viên bơi lội Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập huấn. Tay bơi trẻ giàu triển vọng không có được sự tiến bộ đáng kể dù ở trong môi trường tập huấn tốt, có lẽ chủ yếu là do lỗi của những người lớn làm công tác huấn luyện. Đó chẳng phải là lãng phí cơ hội hay sao?
Sự lãng phí xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, không cứ thể thao.
Như là về thiết chế văn hóa, thử tính trên toàn quốc hiện có bao nhiêu nhà văn hóa, bao nhiêu bảo tàng, bao nhiêu điểm bưu điện văn hóa xã và trong số ấy có bao nhiêu nơi tỏ rõ sự hữu ích đối với đời sống văn hóa cộng đồng? Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng thiết chế văn hóa nhằm mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, một việc cần thiết và trong thực tế đã giúp các địa phương có được một hệ thống hạ tầng văn hóa tương đối mạnh. Sự lãng phí nằm ở chỗ nhiều nơi không phát huy được lợi thế ấy, không thể biến nó thành sức mạnh nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Một bảo tàng ngốn tiền tỷ mà thảng hoặc mới có khách, một nhà văn hóa xã thường xuyên phủ bụi thì đích thị là lãng phí còn gì!
Như là về du lịch chẳng hạn. Việt Nam có nhiều di sản thế giới, nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hệ di sản vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo bậc nhất. Đó là thế mạnh không phải bàn, không dễ đâu có được. Vậy mà du lịch lâu nay vẫn loay hoay bài toán khai thác thế mạnh ấy thế nào cho phải, chưa thể thoát khỏi cung cách manh mún, có nơi có lúc đáng gọi là chụp giật, chặt chém. Lỗi không hẳn ở quản lý ngành, tầm vĩ mô, mà chủ yếu ở sự phối hợp không tốt giữa các cấp tổ chức thực hiện của ngành du lịch với văn hóa và với địa phương có di sản. Nhưng, dù nguyên do là gì đi nữa thì thực tế là ta đang lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa vốn là thế mạnh của du lịch.
Nguyên tắc giải quyết tình trạng bỏ lỡ cơ hội, lãng phí thế mạnh nên bắt đầu từ việc tạo ý thức thường trực về điều đó, thông qua tuyên truyền giáo dục và chế tài rõ ràng cho những nơi không hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đã đặt ra. Bởi suy cho cùng thì trong những trường hợp nói trên, không gây hậu quả có thể đong đếm được không có nghĩa là không phải chịu trách nhiệm.
Văn hóa tiết kiệm hình thành qua giáo dục, qua nhiều việc làm đúng ngoài đời sống, qua những cuộc vận động thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ việc nhỏ đến việc quan trọng, trong suốt đời mỗi người. Nó nên được chỉ ra cụ thể, cả về biểu hiện hình thức và nội dung từ khi cá nhân bắt đầu vào trường lớp, có thế mới dần ngấm vào ý thức, dẫn dắt hành động đúng khi trưởng thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.