Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môi trường học đường: Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục

Thống Nhất| 16/11/2022 07:30

(HNNN) - Trong bất cứ giai đoạn nào, môi trường giáo dục, bao gồm cả yếu tố cơ sở vật chất và con người, vẫn là yếu tố quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Chính vì vậy, dù khó khăn đến đâu, việc xây dựng, chăm chút xây dựng trường lớp, phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo luôn được ngành Giáo dục chú trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng nâng chất lượng nguồn nhân lực một cách bền vững.

Môi trường giáo dục là yếu tố quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Minh Khang

Xây dựng trường đạt chuẩn để tạo sản phẩm đạt chuẩn

Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh. Vài năm gần đây, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh tăng khoảng 60.000 em/năm, gây áp lực không nhỏ đối với ngành Giáo dục và chính quyền địa phương để vừa không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học, vừa xây dựng môi trường học tập đạt chuẩn quốc gia. Liên tiếp trong các kỳ Đại hội đại biểu Đảng thành phố Hà Nội gần đây, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được xác định là chỉ tiêu quan trọng, cho thấy ý nghĩa của việc xây dựng môi trường học tập tốt, góp phần đào tạo nguồn nhân lực. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập (bao gồm các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia từ 80 - 85%.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các địa phương, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết bằng nhiều giải pháp. Đáng chú ý, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và toàn ngành Giáo dục xác định là nhiệm vụ chung, trọng tâm và kiên trì triển khai, nhằm tạo nên các điều kiện dạy, học đạt chuẩn, với mục đích cao nhất là tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước.

Tháng 10 vừa qua là một dấu mốc đáng nhớ với gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình) khi công trình xây dựng, cải tạo trường được hoàn thành, đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn quốc gia. Gần 70 năm thành lập, cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp, lại nằm trong ngõ nhỏ, vì vậy, việc được công nhận đạt chuẩn quốc gia tưởng chừng là mục tiêu rất xa. Với mục tiêu tạo môi trường học tập an toàn, chất lượng, UBND quận Ba Đình đã tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, cải tạo trường theo các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. “Với hệ thống phòng học đủ để tất cả các lớp đều có phòng riêng, học 2 buổi/ngày, học sinh được đọc sách ở thư viện mở, vui chơi, rèn luyện thể chất ở khu nhà đa năng..., tôi yên tâm vì con vừa được học, vừa được phát triển thể lực. Mối lo lớn nhất của nhiều phụ huynh học sinh về nguy cơ mất an toàn nếu chẳng may xảy ra cháy nổ ở trường được giải tỏa, bởi ngõ vào trường đã được mở rộng” - bà Trần Thúy Hằng, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Ngọc Hà chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường xây dựng trường chuẩn quốc gia của quận Ba Đình, thấy rõ ý nghĩa của việc chăm chút cho môi trường giáo dục đối với chất lượng dạy, học. Là đơn vị nhiều năm xếp thứ 29/30 quận, huyện, thị xã về tỷ lệ trường chuẩn, từ năm 2020 đến nay, Ba Đình đã vươn lên vị trí thứ 3. Sự nỗ lực này góp phần đẩy chất lượng giáo dục của quận tăng 6 bậc thi đua lên vị trí các đơn vị dẫn đầu thành phố trong năm học 2021-2022.

Những nỗ lực trong việc xây dựng môi trường học đường ở quận Ba Đình là động lực, niềm tin để các đơn vị bạn tiếp tục cố gắng, góp sức vào kết quả chung của thành phố. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, toàn huyện đã có 53/54 trường đạt chuẩn. Trường còn lại đang hoàn thiện các điều kiện để được UBND thành phố Hà Nội công nhận trong năm 2022.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến tháng 10-2022, toàn thành phố có hơn 1.500 trường công lập đạt chuẩn, chiếm 68% tổng số trường. Nhiều đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn cao hơn mức trung bình của thành phố như huyện Gia Lâm, quận Thanh Xuân, quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm... Dù vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các địa bàn, song về cơ bản, những nỗ lực trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của các quận, huyện, thị xã đã và đang gặt hái quả ngọt, tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.

Diện mạo khang trang của Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Mỗi nhà giáo là một tấm gương tự học, sáng tạo

Nếu như việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp khang trang, đạt chuẩn là điều kiện cần thiết cho việc dạy, học thì phát triển đội ngũ nhà giáo là điều kiện đủ để môi trường giáo dục phát huy hiệu quả. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, cùng với cả nước, ngành Giáo dục Thủ đô đang có những bước tiến vững chắc, chất lượng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương, kết quả này có sự góp sức không nhỏ của từng nhà giáo, học sinh và sự chung sức, đồng hành của phụ huynh. Đáng ghi nhận là những nỗ lực bền bỉ của lực lượng chủ lực - đội ngũ nhà giáo, nhằm phát huy vai trò nêu gương, xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh Thủ đô noi theo về tinh thần tự học, sáng tạo và sự mẫu mực.

Tinh thần ấy của các nhà giáo Thủ đô được thể hiện toàn diện ở nhiều hoạt động, ở khắp các nhà trường, cấp học, tiêu biểu là trong các phong trào, cuộc vận động của ngành. Dù ở độ tuổi nào, điều kiện dạy học ra sao, mỗi nhà giáo Thủ đô luôn nỗ lực tự hoàn thiện mình, lan tỏa sự tích cực, nhiệt huyết đến đồng nghiệp với chung mục đích đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò. Không chỉ “truyền lửa” cho đồng nghiệp về sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết trong thời điểm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô giáo Trương Thị Hiền (sinh năm 1986), Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) đã xây dựng thành công ứng dụng Sổ tay đến trường với nhiều tính năng ưu việt, gỡ vướng cho phụ huynh và đồng nghiệp trong quản lý, hỗ trợ học sinh học trực tuyến. Đến nay, ứng dụng được nhiều đồng nghiệp chia sẻ và bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt về chất lượng dạy học.

“Tôi ấn tượng với tính năng giáo viên có thể giao nhiệm vụ riêng cho từng học sinh trong ứng dụng, giúp các em không cảm thấy mình có sự khác biệt hoặc bị bỏ quên so với các bạn cùng lớp, lại có thể tạo động lực giúp các em phát huy năng lực, sở trường để tự tin tiến bộ. Ứng dụng còn giúp phụ huynh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng thẳng thắn mà vẫn bảo đảm tính riêng tư...” - ông Trần Quốc Đức, phụ huynh học sinh lớp 1A9, Trường Tiểu học Tân Định bày tỏ.

Tấm lòng nhân hậu của cô giáo Nguyễn Thị Luyến (sinh năm 1995), Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, khi nhận đỡ đầu nhiều học sinh là con của các gia đình thuộc hộ cận nghèo, dạy miễn phí cho học sinh có học lực chưa tốt đã mang đến niềm hy vọng cho nhiều em. Đặc biệt, từ khi còn là sinh viên, cô Luyến đã nhận dạy và chăm sóc tại nhà nhiều học sinh gặp khó khăn trong học tập và sinh hoạt hằng ngày. Một số học sinh gắn bó với cô Luyến từ khi còn rất nhỏ, đều có vấn đề về sức khỏe hoặc trí tuệ, đến nay đã có nhiều tiến bộ và đều đang học tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Phúc Thịnh, mẹ của em N.S.L (được cô dạy từ khi học lớp 1, nay đang học lớp 7) chia sẻ: “Chứng kiến từng sự thay đổi của con, nhất là về kỹ năng và tình cảm, tôi trân trọng và biết ơn cô Luyến rất nhiều...”.

Nhà giáo Nguyễn Văn Nghiệp (sinh năm 1961), nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Châu (huyện Ba Vì), là người khởi xướng, làm lan tỏa “tiếng trống học bài” đến tất cả các xã, thị trấn của huyện Ba Vì từ năm học 2016-2017. Đến nay, “tiếng trống học bài” đã trở thành hiệu lệnh chung, nhắc nhở học sinh và nhân dân huyện Ba Vì cùng chăm lo nhiều hơn cho việc học, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), ngày 10-11, 40 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 155 nghìn nhà giáo của Thủ đô đã vinh dự nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ sáu, năm 2022. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên, duy nhất của cả nước triển khai giải thưởng này nhằm tôn vinh, khích lệ các nhà giáo có sáng kiến, ý tưởng khắc phục khó khăn, nâng hiệu quả giáo dục, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở từng nhà trường. Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà nhận xét, qua 6 năm triển khai, Giải thưởng ngày càng khẳng định sức hút mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực đối với toàn đội ngũ trong việc vận dụng, lan tỏa sáng kiến, ý tưởng sáng tạo để giải quyết những bất cập, khó khăn cụ thể tại từng đơn vị, tạo nên sự chuyển biến chung của toàn ngành với quyết tâm giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Môi trường học đường: Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.