(HNM) - Sau nhiều ngày đàm phán, cuối cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về các chức danh lãnh đạo chủ chốt của khối, khai thông bế tắc trong việc lựa chọn nhân sự suốt một tháng qua.
Theo thông báo mới nhất của EU, sau 2 vòng bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu (EP), chính khách 63 tuổi người Italia của đảng Dân chủ xã hội (MEP) David Sassoli, đã vượt qua nghị sĩ đảng Xanh người Đức Ska Keller, ứng cử viên đảng Cánh tả Sira Rego của Tây Ban Nha và ứng cử viên của đảng bảo thủ cánh hữu EKR Jan Zahradil của Cộng hòa Czech để trở thành người đứng đầu cơ quan lập pháp của EU.
Trước đó, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Der Leyen, được đề cử làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, người Pháp, được chỉ định thay ông Mario Draghi nắm giữ vị trí Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Thủ tướng Bỉ Charles Michel làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu thay thế ông Donald Tusk và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell Fontelles làm Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, thay bà Federica Mogherini.
Đây là lần đầu tiên EU có hai chính khách nữ được chỉ định nắm giữ các vị trí chủ chốt của khối. Điều này cho thấy nỗ lực của các nhà lãnh đạo Cựu lục địa trong chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. Cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde là nữ chính khách không mấy xa lạ khi đã lãnh đạo IMF từ năm 2011. Mặc dù là một luật sư, song bà Lagarde được biết đến trong giới tài chính với vai trò nhà bình luận có uy tín về các vấn đề kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Der Leyen vốn là một bác sĩ, tham gia chính trường khi bước sang tuổi tứ tuần. Bà được coi là nhân tố ổn định trong Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel gần 14 năm qua.
Việc các nhà lãnh đạo EU đạt được thống nhất về danh sách các vị trí chủ chốt của khối nhiệm kỳ mới giúp EP có thể vận hành đúng với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các thành viên cũng ngày càng bộc lộ không chỉ giữa các nhóm chính trị lớn trong EP, mà cả giữa các nhóm nước Tây, Đông và Trung Âu. Ban đầu, bất đồng được thể hiện rõ nhất trong cách lựa chọn ứng cử viên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong khi Đức công khai ủng hộ ứng cử viên người Đức Manfred Weber của nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) làm Chủ tịch EC, thì Pháp lại phản đối kịch liệt ứng cử viên này, với lý do ông Weber ít kinh nghiệm lãnh đạo cũng như chưa đủ sức tập hợp các lực lượng chính trị khác nhau tại châu Âu. Những tưởng các bên đã đạt được sự đồng thuận về việc trao chiếc ghế này cho cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans, song đến phút cuối của Hội nghị Thượng đỉnh bất thường tối 30-6, các nước Đông Âu như Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia... đã bác bỏ đề xuất này.
Để EP có thể mở phiên hoạt động đầu tiên theo đúng lịch trình, kể từ ngày 30-6, các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU đã phải thảo luận suốt ba ngày liền. Giới phân tích nhận định, các nhân vật được lựa chọn vào chức danh chủ chốt của EU đều là những gương mặt nằm ngoài đề cử và dự đoán ban đầu. Chỉ có như vậy, các thành viên EU mới có thể hóa giải được thế bế tắc kéo dài.
Sự bất đồng giữa các thành viên sẽ là thách thức không nhỏ đối với bộ máy lãnh đạo EU trong việc hoạch định chính sách cho 500 triệu người châu Âu 5 năm tới. Nhất là khi Lục địa già đang phải giải quyết hậu quả của một loạt cuộc khủng hoảng từ vấn đề người di cư đến vấn đề kinh tế và hệ lụy của tiến trình đưa Anh rời EU sắp tới. Đây là những yếu tố có thể gây ảnh hưởng tới vị thế của EU trên thế giới cũng như sự ổn định của liên minh này trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.