(HNMO) - Với tỷ lệ 93,07% đại biểu tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội vào sáng 4-12.
Đóng góp ý kiến trước khi nghị quyết được thông qua, một số đại biểu cho rằng, cần mạnh dạn lựa chọn sản phẩm cốt lõi của Hà Nội, tập trung đầu tư cho các sản phẩm đó, có chiến lược tuyên truyền lâu dài, mở quầy sản phẩm của Hà Nội tại sân bay để du khách có thể tìm mua sản phẩm. Cùng với đó là đầu tư chọn lọc cho khâu thiết kế sản phẩm làng nghề, đặc biệt là sản phẩm đồ lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Hà Nội, thậm chí có thể thuê chuyên gia nước ngoài để thiết kế đẹp, độc đáo.
Về quảng bá sản phẩm, với xu thế số hóa, các đại biểu đề xuất đầu tư “App” riêng về sản phẩm làng nghề, ứng dụng này được thông tin ở các cơ sở lưu trú thành phố để khách du lịch dễ dàng nhận thấy.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, trong nghị quyết được thông qua, thành phố đã có các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề như: Hỗ trợ đánh giá tác động môi trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể...
Các làng nghề làm thủ tục đề nghị công nhận và làng nghề đã được công nhận “Làng nghề, Làng nghề truyền thống” thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường theo quy định được thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng/làng nghề để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường.
Về hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể như: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho làng nghề; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề... được thành phố hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/1 nội dung. Một làng nghề được đăng ký tối đa 5 nội dung.
Thông qua nhiều mức chi hỗ trợ
Cũng trong sáng 4-12, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ và mức chi quản lý các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, gồm: Nội dung chi, mức chi đối với học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi quốc tế tổ chức tại nước ngoài; nội dung chi, mức chi tổ chức các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức của thành phố; xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, chương trình không phải nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhưng có hàm lượng chất xám cao, có tính chất tương tự như nhiệm vụ khoa học và công nghệ; bồi dưỡng cho lực lượng công an, quân đội và các lực lượng phối hợp khác không hưởng lương ngân sách nhà nước tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội trong các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của trung ương và thành phố trên địa bàn Thủ đô; bồi dưỡng chứng tích lịch sử tại các cuộc đi lấy thông tin, tư liệu để phục vụ công tác lưu trữ tư liệu lịch sử của Đảng bộ thành phố; mức chi cho các đối tượng không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đi nước ngoài theo chủ trương được phê duyệt của UBND thành phố.
Thông qua danh mục 2.142 dự án thu hồi đất năm 2020
Theo nghị quyết, HĐND thành phố đã thông qua danh mục 2.142 dự án thu hồi đất năm 2020 với diện tích 8.051,01 ha (trong đó có 1.577 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 sang với diện tích trên 5.300 ha) và danh mục 209 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố với diện tích 358,84 ha.
Nghị quyết quyết nghị rõ, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố, kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2020 của HĐND thành phố. Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện do các quận, huyện bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, bảo đảm bố trí đủ kinh phí giải phóng mặt bằng trong năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.