(HNMO) - Ngày 12-4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức giao ban báo chí quý I-2018.
Kết quả nổi bật trong quý I-2018 là các cấp Công đoàn đã chi 1.521 tỷ đồng chăm lo cho 3,3 triệu đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2018. Tổ chức Công đoàn đã chủ động giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nam Định…
Về đề án hoàn thành 50 thiết chế công đoàn vào năm 2020, đến nay, 20 tỉnh, thành phố đã xác định được vị trí xây dựng thiết chế công đoàn, tỉnh Hà Nam đã khởi công và đến cuối năm nay có thể bàn giao nhà cho công nhân.
Quý II-2018, các cấp Công đoàn tập trung tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2018 với chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên", Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”; chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân, lao động 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam...
Tại buổi giao ban, trả lời báo chí về việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi nội dung Nghị định số 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiền lương của người lao động, Trưởng ban Quan hệ lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đồng tình với cả 2 phương án. Theo đó, 2 phương án này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của người lao động, tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép lương người lao động.
Phương án 1 bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương là 5%. Phương án 2 vẫn quy định khoảng cách giữa hai bậc lương, nhưng giảm từ 5% xuống 3% lương và tiến tới bãi bỏ quy định này.
Nguyện vọng chung của người lao động là thang bảng lương được giữ nguyên, chỉ bổ sung nội dung tạo điều kiện chủ động cho người sử dụng lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.