(HNM) - Nếu như nông sản sạch ngày càng trở thành thị phần hấp dẫn thì xây dựng, phát triển chuỗi cửa hàng (nông sản sạch), đặc biệt ở đô thị, khu đông dân cư, chính là hình thức kinh doanh đầy tiềm năng với doanh nghiệp nói riêng cũng như sẽ tạo những tác động tích cực tới người làm nông nghiệp, sản xuất - chế biến, tiêu thụ nông sản nói chung.
Thời gian qua, hình thức kinh doanh nông sản sạch theo chuỗi đã khẳng định được chỗ đứng, bước đầu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Từ những chính sách có tính “bà đỡ”, gợi mở của Nhà nước, kênh phân phối thực phẩm sạch theo hình thức chuỗi phát triển nhanh chóng. Bên cạnh những thương hiệu lớn là rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ cá thể Ecolink-Ecomart, Organik Đà Lạt, Viễn Phú Green Farm, Vinamit, TH True Milk, Vinamilk...
Tại Hà Nội, dễ nhận thấy hàng loạt tên tuổi như Bác Tôm, Sói Biển, nông sản sạch trong hệ thống của Vinmart, hệ thống cửa hàng tham gia Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội”…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đơn vị phát triển hình thức kinh doanh này vẫn chưa nắm hết cơ hội mà thị trường mang lại. Ở chiều ngược lại, cơ hội tiếp cận chuỗi với không ít người tiêu dùng, thậm chí ngay tại đô thị, địa bàn đông dân cư, còn hạn chế. Nguyên nhân có nhiều: Với doanh nghiệp lớn, rõ ràng mức độ “phủ sóng” (chuỗi cửa hàng) đòi hỏi thời gian. Với đơn vị nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là khó khăn về mặt bằng, vốn, chất lượng thương hiệu…
Xét cho cùng, mọi cơ chế, chính sách của Nhà nước chỉ có tính khuyến khích, điều quan trọng nhất nằm ở mỗi đơn vị. Trong đó, uy tín là vấn đề cốt lõi. Quá trình xây dựng, phát triển chuỗi cửa hàng nông sản sạch của mỗi đơn vị phải bảo đảm mỗi chuỗi là một thương hiệu uy tín, để người tiêu dùng có thể đặt trọn niềm tin. Chất lượng "đầu vào" cực kỳ quan trọng.
Có hai vấn đề cần bàn ở đây: Thứ nhất, khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào. Thứ hai, chính đơn vị phát triển chuỗi phải kiên quyết nói “không” với sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian qua, không ít bài học cay đắng đã làm một số cơ sở kinh doanh nông sản sạch “thấm đòn” khi thông tin sản phẩm không đạt chuẩn, trà trộn sản phẩm... không sạch ngay từ "đầu vào" bị phanh phui.
Do bất lợi là giá cao hơn nông sản thường nên cùng với nỗ lực phát triển để mỗi chuỗi là một thương hiệu uy tín thì các chuỗi phải gia tăng tiện ích, tăng sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Đó là việc mở rộng sự hiện diện của hệ thống cửa hàng để người tiêu dùng dễ tiếp cận.
Bên cạnh đó, khách hàng còn cần được phục vụ một cách thuận lợi nhất như mua bán trực tuyến, chuyển hàng tận nhà… theo cùng sự phát triển công nghệ cũng như mức độ bận rộn của đời sống hiện đại, nhất là ở khu vực đô thị.
Điểm quan trọng khác là vai trò hậu kiểm của cơ quan chức năng. Chỉ khi hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm được thực hiện hiệu quả thì mới ràng buộc được trách nhiệm, ý thức tuân thủ của các cơ sở cung cấp thực phẩm...
Cùng với đó, truyền thông một mặt tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, mặt khác định hướng để người dân dần thay đổi thói quen tiêu dùng (thay vì mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì tìm đến cửa hàng kinh doanh nông sản sạch).
Đó chính là con đường để hình thức kinh doanh nông sản sạch theo chuỗi tận dụng tối đa cơ hội được mang lại, qua đó đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.